Nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, do đâu?
Mỗi năm, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh phát hiện hàng chục vụ vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh hàng giả, xâm phạm sáng chế về sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp...
Theo Chi cục QLTT, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) chủ yếu được sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc đưa về tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các mặt hàng như mỹ phẩm; mũ bảo hiểm (MBH); phụ tùng ôtô, xe máy; rượu, bia; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật... Đây là những mặt hàng dễ bán, có sức tiêu thụ cao nên thường xuyên bị làm giả.
Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của thương nhân khác trên nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp và logo của sản phẩm, xuất xứ.
Các sản phẩm có thương hiệu uy tín thường bị làm giả. Hầu như năm nào, lực lượng chức năng cũng phát hiện kho hàng đầu mối chứa hàng nghìn sản phẩm vi phạm. Thế nhưng, hàng nhái, giả mạo thương hiệu vẫn được bày bán khá phổ biến tại các cửa hàng, cửa hiệu và chợ dân sinh. Chỉ tính riêng từ tháng 6-2016 đến nay, qua công tác thanh, kiểm tra, Chi cục QLTT tỉnh đã xử lý 30 vụ vi phạm về hàng giả và SHTT, xử phạt hành chính gần 400 triệu đồng. Trong đó, về MBH đã có 12 vụ việc, với số tiền xử phạt trên 300 triệu đồng, tịch thu gần 3.000 chiếc MBH giả mạo thương hiệu Nón Sơn.
Không chỉ riêng MBH, tình trạng làm giả, nhái và vi phạm SHTT cũng diễn ra khá phổ biến và phức tạp đối với mặt hàng rượu. Từ năm 2016 đến nay, Chi cục QLTT đã xử lý 13 vụ vi phạm, xử phạt gần 43 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy 2.537 chai rượu các loại. Mới đây nhất, tháng 5 vừa qua, Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT) tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện kho hàng của hộ kinh doanh do ông Đ.M.V (TP. Buôn Ma Thuột) làm chủ có chứa 1.328 chai rượu Men New Vodka xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu Men Vodka đã được bảo hộ của Công ty Cổ phần rượu bia nước giải khát Aroma. Cùng với phạt hành chính 20 triệu đồng, Chi cục đã tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên.
Theo đánh giá của Chi cục, gian thương thường làm giả nhãn hiệu sản phẩm đã được doanh nghiệp (DN) đăng ký bảo hộ để đánh lừa khách hàng và gây ra nhiều thiệt hại cho nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Lợi nhuận từ việc làm hàng giả này khá cao mà chi phí bỏ ra thấp, trong khi, để có một sản phẩm uy tín và tạo được niềm tin với khách hàng, DN làm ăn chân chính phải đầu tư rất nhiều chi phí, nguồn lực mới có kết quả như mong muốn.
Lực lượng chức năng bắt quả tang một kho hàng chứa mũ bảo hiểm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Ngoài nguyên nhân trên, một phần còn do DN dù biết sản phẩm của mình bị giả mạo nhưng thiếu phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn, vì sợ ảnh hưởng đến uy tín. Thậm chí, có trường hợp cán bộ Chi cục phát hiện hàng hóa có dấu hiệu bị giả mạo đã liên lạc với DN đề nghị cùng phối hợp điều tra làm rõ, nhưng DN lại làm ngơ. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có tâm lý thích xài hàng có thương hiệu dù là hàng giả, kém chất lượng vì giá rẻ, mẫu mã đẹp nên họ chấp nhận mua để dùng, nên đã vô tình tiếp tay cho hàng giả, xâm phạm quyền SHTT… tồn tại trên thị trường như hiện nay.
Bên cạnh đó, hầu hết hàng hóa vi phạm đều được nhập từ các nơi khác chứ không phải sản xuất tại địa phương, nên công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm SHTT khó thực hiện tận gốc… Riêng về phía Chi cục QLTT, đơn vị đóng vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật thương mại, thì do địa bàn rộng trong khi lực lượng mỏng, phương thiết bị để kiểm tra còn hạn chế, không có hàng thật để đối chứng… dẫn đến hiệu quả công tác đấu tranh chưa cao.
Theo ông Vương Minh Sơn, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh, thời gian tới Chi cục sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đến cá nhân, cơ sở kinh doanh; xây dựng được cơ sở báo tin đáng tin cậy, phối hợp chặt chẽ với DN, chủ sở hữu để nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra kiểm soát thị trường. Về phía người tiêu dùng cần kiên quyết không mua, sử dụng hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ở những nơi không có uy tín...
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc