Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương ở thị trường ngoài tỉnh

07:38, 12/06/2017

Cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp (DN) hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đã mở ra nhiều cơ hội giao thương mới, giúp hỗ trợ tìm kiếm thông tin và đầu ra cho sản phẩm do chính DN làm ra tại thị trường 2 tỉnh.

Đầu tháng 6, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội nghị kết nối cung cầu giữa các DN, cơ sở sản xuất, nhà phân phối Đắk Lắk và Phú Yên do Sở Công thương 2 địa phương tổ chức.

Tại buổi gặp gỡ này, nhiều DN cho rằng, 2 địa phương ở vùng giáp ranh nhau, giao thông đi lại thuận tiện, lại đều có những sản phẩm thế mạnh không trùng nhau, một bên là các sản phẩm thuỷ, hải sản; một bên là các sản phẩm nông sản đặc trưng như cà phê, tiêu, ca cao…. có thể cung ứng cho nhau, nhưng do thiếu sự liên kết, hợp tác nên các sản phẩm trên chưa phổ biến tại thị trường 2 tỉnh.

Doanh nghiệp Đắk Lắk tìm hiểu về sản phẩm nước mắm nguyên chất Tân Lập của Phú Yên.
Doanh nghiệp Đắk Lắk tìm hiểu về sản phẩm nước mắm nguyên chất Tân Lập của Phú Yên.

Theo Sở Công thương Phú Yên, sản phẩm chủ lực của tỉnh là: thủy hải sản tươi, đông lạnh, tẩm ướp; nước mắm truyền thống, phân bón hữu cơ vi sinh làm từ xác cá, cây dược liệu… có thể hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ tại Đắk Lắk qua các kênh như chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, và tiến tới thành lập nhà phân phối, đại lý.

Ông Phan Văn Khải, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập (Phú Yên) cho biết, sản phẩm chủ lực của cơ sở là các dòng nước mắm truyền thống được làm từ 100% cá cơm nguyên chất, không chất bảo quản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đã có mặt trên thị trường gần 20 năm nay nhưng lại chưa phổ biến tại Đắk Lắk. Lần này, được gặp gỡ các DN, nhà phân phối, đại diện các siêu thị tại địa phương, ông Khải quyết tâm sẽ kết nối, thúc đẩy đưa sản phẩm nước mắm sạch Tân Lập vào phục vụ người tiêu dùng ở đây với mức giá ưu đãi.

Cùng chung mục đích đó, lần đầu mang sản phẩm tiếp cận với nhà phân phối cuả Đắk Lắk, anh Nguyễn Đặng Huỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Sang (Phú Yên) chia sẻ, đông trùng hạ thảo được anh nuôi cấy thành công, đây là một loại nấm sống ký sinh trên côn trùng có tác dụng bổ thận nhuận phế, ích khí sinh tân, bình ổn âm dương. Do được sản xuất theo quy trình khép kín, chủ động được từ khâu nguyên liệu, chọn giống đến nuôi trồng nên sản phẩm bảo đảm không có chất bảo quản, nhiễm kim loại nặng hay bất cứ hóa chất gì. Qua chuyến gặp gỡ này, anh muốn đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết để mở rộng mô hình phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao này tại Đắk Lắk. Đặc biệt, nếu hộ nuôi trồng nào ở Đắk Lắk có nhu cầu nuôi cấy, anh sẽ cung cấp phôi, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Trên thị trường hiện nay, đông trùng hạ thảo có giá trên 100 triệu đồng/kg, nếu được nuôi cấy tại chỗ thì giá thành sản phẩm sẽ hạ hơn để những người có thu nhập thấp của Đắk Lắk có cơ hội tiếp cận.

Đánh giá về khả năng phát triển thị trường ở Đắk Lắk, các DN Phú Yên tin tưởng, đây là thị trường tiềm năng, có sức mua mạnh. Ông Phan Văn Chiến, đại diện thương mại Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hoàng Long (Phú Yên) thông tin, các dòng sản phẩm phân bón của công ty đã có mặt hơn 10 năm ở thị trường Đắk Lắk và được người tiêu dùng địa phương tin dùng, với mức tiêu thụ khá cao, khoảng 10.000 tấn/năm. Một số DN khác của Phú Yên cũng khẳng định, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất ở địa phương này rất lớn nên DN có ý định tìm đối tác uy tín để nhập nguồn nguyên liệu này về tiêu thụ ở thị trường Phú Yên.

Về phía các DN sản xuất của tỉnh Đắk Lắk như cà phê Trung Hòa (huyện Cư M’gar), cà phê Phượng, cà phê Kinh Châu (TP. Buôn Ma Thuột), Hợp tác xã công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar), rượu cần Y Miên, Công ty TNHH MTV Cà phê 721... cũng đã trao đổi thông tin về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng và mong muốn hợp tác với các đối tác ở Phú Yên để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Anh Trần Văn Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất cà phê bột Trung Hòa đánh giá, Phú Yên sẽ là một thị trường tiềm năng cho những sản phẩm cà phê pha phin và pha máy, vấn đề còn lại làm thế nào để bắt tay với nhà phân phối tại địa phương để kết nối, phát triển thị trường đầu ra.

Kết quả bước đầu, tại buổi gặp gỡ kết nối giao thương, đã có 20 biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh được ký kết giữa các DN, cơ sở, nhà phân phối 2 tỉnh với nhau. Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, cuộc gặp gỡ lần này đã mang lại nhiều hy vọng cho người sản xuất, phân phối lẫn tiêu dùng của 2 tỉnh. Trước đó, 5 tỉnh Tây Nguyên và Khánh Hòa, Phú Yên đã có ký kết văn bản hợp tác phát triển nhằm thống nhất phối hợp kêu gọi đầu tư, liên kết trao đổi thông tin giá cả thị trường, quảng bá khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp…, hoạt động này trong lộ trình nhằm từng bước hiện thực hóa việc hợp tác phát triển nói trên. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.