Multimedia Đọc Báo in

Để "vàng đen" không còn "đen" (Kỳ cuối)

09:52, 12/07/2017

Kỳ cuối: Phát triển hồ tiêu bền vững theo chuỗi*

Mặc dù giá cả biến động mạnh, áp lực và rào cản kỹ thuật gia tăng nhưng trong cơ cấu ngành nông nghiệp, hồ tiêu vẫn là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao. Để ổn định, phát triển mặt hàng nông sản triệu đô này đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ, bền vững theo chuỗi trong sản xuất, kinh doanh.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chỉ dẫn

Giá hồ tiêu năm 2017 đã không còn cao như 2 năm trước và khó có cơ hội cao trở lại như thời hoàng kim của những năm 2012-2015 là điều mà ai quan tâm tới mặt hàng này đều nhận thấy. Trên thực tế, không ít nông dân chạy theo phong trào, thấy người khác trồng thì mình cũng trồng và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kích thích cho cây ra quả triệt để để rồi phải hứng chịu hậu quả, cây nhanh chóng bị kiệt sức và dịch bệnh tấn công, gây hại đồng loạt.

Dư lượng hoạt chất Carbendazim phát hiện trong mẫu hồ tiêu vượt mức quy định rất cao, nên theo các chuyên gia về hồ tiêu, có thể việc sử dụng hoạt chất này trong giai đoạn thu hoạch và bảo quản hồ tiêu gây ra. Cuối năm 2016, Cục BVTV phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hồ tiêu đã khảo sát, lấy 47 mẫu tiêu khô ngẫu nhiên tại các đại lý thu mua trên toàn quốc để kiểm tra dư lượng. Kết quả, 33 mẫu phát hiện dư lượng 8 hoạt chất thuốc BVTV, trong đó 3 hoạt chất (Hexaconazole, Propamocarb, Permethrin) tồn dư; 5 hoạt chất (Mancozeb, Carbendazim, Metalaxyl, Chlorpyrifos ethyl, Imidacloprid) vượt quy định của EU. Phân tích 8 mẫu đất ngẫu nhiên tuy không phát hiện hoạt chất Carbendazim trong đất nhưng phát hiện 2/8 mẫu có Imidacloprid, 2/8 mẫu chứa Carbosulfan, 6/8 mẫu có Chlorpyrifos ethyl.

Một vườn  hồ tiêu  đạt chứng nhận Rainforest Aliance  tại xã Ea Tân.
Một vườn hồ tiêu đạt chứng nhận Rainforest Aliance tại xã Ea Tân.

Ông Phạm Công Trí, cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết, bản chất của hồ tiêu là cây “đỏng đảnh” với dịch bệnh. Đặc biệt, bộ rễ cạn, mọng nước khiến dịch bệnh dễ xâm nhập, gây chết cây trong khoảng thời gian rất ngắn. Do vậy, cần kiểm soát khi vườn cây chưa xuất hiện sâu bệnh theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Tuy nhiên, phần lớn nông dân đã lạm dụng thuốc trên vườn hồ tiêu từ lúc ươm chồi đến khi thu hoạch, không chú trọng thăm vườn thường xuyên nên nhiều trường hợp phát hiện khi bệnh đã quá nặng dẫn đến lạm dụng thuốc mà không mang lại hiệu quả như mong đợi. Do đó, khi cần, người dân phải sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách để có hiệu quả phòng trừ cao, trước thời gian thu hoạch 2-3 tháng nhằm bảo đảm được những tiêu chuẩn thương mại khắt khe nhất.

Xây dựng vườn cây đạt chuẩn EU

Ông Trần Văn No, xã Ea Toh (huyện Krông Năng) cho biết, gia đình ông có 0,5 ha tiêu, từ việc chọn giống đến chăm sóc đều theo kinh nghiệm nên thường xảy ra dịch bệnh. Từ năm 2014 đến nay, ông liên kết sản xuất với công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco) theo hướng IPM thì tình trạng dịch bệnh nguy hiểm không còn. Cụ thể, đào hố trồng tiêu cạn hơn, để cỏ trên băng làm thảm phủ, trồng lạc dại và cúc vạn thọ trên vườn, khơi rãnh thoát nước theo thế dốc tự nhiên của vườn, tưới tiết kiệm nước, bón phân cân đối hợp lý... Đặc biệt, nhờ tăng cường bón phân hữu cơ ủ hoai bằng men vi sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học trong mùa mưa nên lượng thuốc BVTV đã giảm hẳn, dịch bệnh không lây lan. Kết quả là, sản phẩm hồ tiêu của ông khi kiểm nghiệm không tồn dư hóa chất, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính EU. Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngoãn, xã Ea Tân (Krông Năng) phấn khởi, gia đình bà tham gia liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk từ năm 2012. Theo đó, vào đầu mùa mưa, nếu vườn có nguy cơ dịch bệnh cao thì gia đình sử dụng thuốc BVTV dập dịch theo hướng dẫn của công ty. Còn trong suốt mùa mưa, gia đình chủ yếu sử dụng các biện pháp thực hành sản xuất tốt và các chế phẩm sinh học nên vườn hồ tiêu phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh và đã đạt chứng nhận Rainforest Aliance (RA), được công ty bao tiêu sản phẩm với giá cộng thêm 2.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự án sản xuất cà phê, hồ tiêu bền vững công ty cho biết, Dự án sản xuất hồ tiêu bền vững đạt chứng nhận RA được đơn vị triển khai từ năm 2012 tại các xã Ea Toh, Ea Tân với sự tư vấn của các nhà khoa học và chuyên gia WASI. Hiện, công ty đã liên kết với 379 hộ, sản xuất 297 ha hồ tiêu cho sản lượng bình quân đạt 950 tấn/năm. Việc liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững giúp đơn vị có nguồn hàng chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường khó tính nước ngoài. Đặc biệt, sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc đến từng nông hộ đã tăng thêm quyền lợi và trách nhiệm của nông dân trong sản xuất và thương mại.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, tuy là nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới nhưng nhiều DN hiện nay vẫn phải nhập khẩu hồ tiêu cao cấp từ các quốc gia khác để xuất khẩu. Do đó, để hội nhập, ngành hồ tiêu cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi, mạng lưới ngành hàng từ khâu chọn giống, sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Trong đó, các DN xuất khẩu cần liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chí quốc tế để bảo đảm nguồn hàng xuất khẩu chất lượng cao trong thương mại toàn cầu.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.