Multimedia Đọc Báo in

Đơn điệu du lịch homestay: Khó "níu" chân du khách!

11:19, 05/07/2017

Homestay tại huyện Lắk hình thành hơn 10 năm nay, tuy nhiên, với các dịch vụ còn đơn điệu, loại hình du lịch này khó lòng “níu” chân du khách…

Du lịch homestay phù hợp với những du khách thích khám phá, trải nghiệm văn hóa, sinh hoạt hằng ngày của người dân ở các vùng, miền, nên thay vì ở khách sạn hoặc nhà nghỉ, du khách sẽ cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt với người dân địa phương.

Huyện Lắk có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, với một số địa điểm được nhiều du khách biết đến như thác Bìm Bịp, Hồ Lắk, suối đá Đắk Phơi… Năm 2005, tại địa phương bắt đầu hình thành loại hình du lịch homestay. Theo đó, HTX du lịch buôn Jun (thị trấn Liên Sơn) được thành lập, với 8 xã viên, đến nay tăng lên 36 xã viên, gồm 10 xã viên góp nhà dài, 8 xã viên góp voi, 11 xã viên góp thuyền độc mộc và 12 xã viên góp cồng chiêng. Hiện tại, giá dịch vụ đối với thuyền độc mộc là 50 ngàn đồng/người/lượt; lưu trú tại nhà dài 100 ngàn đồng/đêm; sử dụng dịch vụ trọn gói với các hộ dân gồm ăn, ngủ tại nhà dài có giá 300 ngàn đồng/ngày, đêm. Với mức giá này, các hộ dân làm dịch vụ cũng có thu nhập khá cao, từ 4 đến 8 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào từng loại dịch vụ. Tuy nhiên, homestay tại Lắk vẫn còn đơn điệu nên khách lưu trú qua đêm chưa nhiều, chỉ thu hút được một phần nhỏ du khách nước ngoài, còn khách trong nước ít người sử dụng dịch vụ này.

Ông Bùi Văn Đức, Giám đốc HTX Du lịch buôn Jun cho hay, homestay tại Lắk mới chỉ dừng lại ở các dịch vụ thông thường như: chèo thuyền độc mộc trên Hồ Lắk, cưỡi voi, lưu trú nhà dài, khi đến mùa thu hoạch lúa, khoai nếu có khách yêu cầu, các xã viên làm du lịch mới đưa du khách trải nghiệm tại các cánh đồng. Thực tế, nếu homestay đúng nghĩa phải gắn chặt hơn nữa với những sinh hoạt hằng ngày, văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Đơn cử như tại buôn Jun, buôn Lê, nếu hình thành được các tổ, nhóm hộ dân gắn với các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát thì sẽ dễ “níu” chân du khách hơn. Thêm nữa, những hoạt động văn hóa, văn nghệ như đánh cồng chiêng, dân ca, dân vũ của người M’nông nếu được duy trì thành một hoạt động chính thì có thể sẽ thu hút khách lưu trú qua đêm  nhiều hơn.

Nhà dài truyền thống tại khu du lịch buôn Jun (huyện Lắk) hiện còn rất ít.
Nhà dài truyền thống tại khu du lịch buôn Jun (huyện Lắk) hiện còn rất ít.

Anh Pual Pitt, du khách đến từ nước Anh (hiện là giáo viên của một trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội) chia sẻ, trong kỳ nghỉ năm nay, anh đưa bạn gái du lịch đến Đắk Lắk, trong đó huyện Lắk là điểm dừng chân đầu tiên của kỳ nghỉ. Buổi sáng anh và bạn đi cưỡi voi, tham quan Biệt điện Bảo Đại, xem người dân gặt lúa, làm chả cá; chiều đi thác, suối đá Đắk Phơi. Buổi tối, anh và bạn chọn dịch vụ homestay là một ngôi nhà dài truyền thống của người M’nông gần Hồ Lắk. Theo cảm nhận của anh, buổi tối ở đây khá buồn, ít khu vui chơi, 2 người chỉ đi dạo 1 vòng quanh Hồ Lắk rồi về, muốn khám phá những đặc trưng văn hóa của người dân nơi đây nhưng không có dịch vụ nào được tổ chức. Còn Alice Olaf, bạn gái anh Pual nhận xét, ở đây cảnh đẹp, giá dịch vụ rẻ, người dân thân thiện nhưng khá buồn tẻ khi lưu trú qua đêm. Người dân ở đây nói được tiếng Anh rất ít, nên cô Alice luôn phải nhờ bạn trai phiên dịch khi cần.

Thực tế, các nhà dài của người M’nông, chủ yếu tại buôn Jun và buôn Lê đều đã được bê tông hóa, không đúng với nhà dài truyền thống. Do vậy, vào mùa khô, lưu trú tại đây rất nóng. Ông Y Tlấp Buôn Dap (Trưởng buôn Jun) cho biết, buôn Jun có hơn 90% nhà dài, nhưng nhà truyền thống chỉ chiếm khoảng 1/3, còn lại là nhà xây. Trong khi đó, hầu hết du khách khi lựa chọn lưu trú qua đêm đều muốn ở trong những nhà dài truyền thống. Tương tự, với 10 xã viên trong HTX Du lịch buôn Jun có nhà dài thì một nửa trong đó là nhà xây.

Ông Bùi Văn Đức trăn trở, đơn vị cũng muốn đầu tư nhiều để tạo dựng homestay tại Lắk thành điểm nhấn du lịch của huyện nhà nói riêng và tỉnh nói chung, nhưng đó là cả một lộ trình dài, cần sự chung tay của các cấp ngành, địa phương và xã viên HTX làm du lịch tại cộng đồng. 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.