Multimedia Đọc Báo in

Giữ bình yên cho những cánh rừng

14:40, 26/07/2017
Một ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn.
 
Đang giữa mùa mưa, rừng ở đây xanh ngát một màu. Cây cối sau nhiều tháng mùa khô phải trút lá để chống chọi với cái nắng nay được những cơn mưa tưới tắm “dồn sức” phô diễn những chiếc lá xanh tươi. Bên dưới những cây gỗ lớn, thảm thực vật cũng sinh sôi, nảy nở ken chặt lối đi. Dưới tán rừng xanh tươi, ngắm nhìn những cây gỗ quý như giáng hương, căm xe, nghe chim hót líu lo mang đến một cảm giác bình yên khó tả.

Rừng ở VQG Yok Đôn với hệ sinh thái rừng khộp đặc hữu, đặc trưng rõ nét nhất là vào mùa khô, những loài cây phải trút lá để chống chọi với nắng nóng, thiếu nước, nhưng đến mùa mưa chúng lại đâm chồi nảy lộc và phát triển nhanh. Thời tiết khắc nghiệt khiến vạn vật phải căng mình chống chọi và con người cũng không ngoại lệ. Đối với những kiểm lâm, mùa khô ở trong rừng là một “cực hình” vì thiếu thốn đủ bề. Giữa những cánh rừng bạt ngàn cây cối, nhưng muốn kiếm một chỗ tránh nắng cũng rất khó vì cây đã rụng hết lá; hàng trăm con suối cũng kiệt nước, nước sinh hoạt phải chắt chiu dành dụm. Mùa khô cũng là thời điểm lâm  tặc vào rừng để khai thác gỗ và săn bắn động vật hoang dã trái phép nên áp lực càng tăng lên gấp bội. Do đó, không chỉ đi tuần tra để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm, lực lượng kiểm lâm Vườn còn thường xuyên phải mắc võng ngủ ở những vị trí có nhiều cây gỗ quý, ở những lối mòn lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.  

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn vượt sông Sêrêpốk đi tuần tra rừng.
Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn vượt sông Sêrêpốk đi tuần tra rừng.

Canh giữ bên trong rừng đã khổ, làm nhiệm vụ ở bên ngoài đường cũng chẳng dễ dàng gì. Anh Phạm Đức Huy, Đội phó Đội Kiểm lâm Cơ động của Vườn kể: Không ít lần, lực lượng kiểm lâm nhận được tin báo có xe chở gỗ lậu đi qua Tỉnh lộ 1 đoạn qua địa phận của Vườn nên tổ chức mật phục. Khi phát hiện xe chở gỗ, chúng tôi tiến hành truy đuổi, nhưng trên đường gặp một số xe máy chạy tạt ngang đầu xe của kiểm lâm, không cho vượt lên để xe chở gỗ chạy thoát. Còn những đối tượng chở gỗ lậu bằng xe máy, khi bị truy đuổi, chúng vừa chạy vừa đổ gỗ xuống đường để ngăn cản xe của kiểm lâm, khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Điển hình vào ngày 22-4, trong quá trình tuần tra trên tuyến Tỉnh lộ 1 thuộc địa phận xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn) kiểm lâm Vườn phát hiện một xe ôtô có dấu hiệu vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Khi thấy xe của lực lượng chức năng bám theo, chiếc xe này đã tăng tốc chạy trốn, đồng thời xuất hiện 2 xe máy vượt lên phía trước xe của kiểm lâm Vườn lạng lách, đánh võng để ngăn cản. Những đối tượng đi trên xe máy còn liên tục ném đá về phía xe của tổ tuần tra làm vỡ kính chắn gió và móp méo nắp ca pô xe khiến tổ tuần tra phải tạm dừng truy đuổi chiếc xe vi phạm nói trên...

Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách VQG Yok Đôn cho biết, mỗi kiểm lâm ở đây quản lý, bảo vệ khoảng 500 ha rừng, điều kiện sinh hoạt, phương tiện hỗ trợ còn thiếu thốn nhưng vẫn không quản ngại khó khăn để bảo vệ rừng. Nhờ tăng cường tuần tra, truy quét nên 6 tháng đầu năm 2017 tình hình vi phạm lâm luật ở Vườn giảm cả về số lượng cũng như tính chất vi phạm. Cụ thể, đã phát hiện, xử lý 190 vụ vi phạm lâm luật (giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm 2016), tịch thu 63,629m3 gỗ, 150 phương tiện các loại.

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm Vườn cũng thường xuyên xuống các thôn buôn vùng đệm để tuyên truyền cho bà con nhân dân nâng cao ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Hiện nay VQG Yok Đôn có  254 cán bộ, nhân viên và người nhận khoán quản lý, bảo vệ 113.545 ha rừng. Vườn có 300 km chiều dài tiếp giáp với các khu dân cư của 7 xã,  90 thôn, buôn với khoảng 50.000 nhân khẩu, trong đó có nhiều hộ sống dựa vào tài nguyên rừng.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.