Multimedia Đọc Báo in

Nhiều vấn đề đặt ra từ chỉ số PCI năm 2016

08:14, 26/07/2017

Thời gian qua, mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đắk Lắk đã được cải thiện đáng kể, nhưng để duy trì và nâng cao chỉ số này, địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nhiều chỉ số quan trọng tụt hạng

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), PCI năm 2016 của Đắk Lắk đạt 58,62 điểm, xếp hạng 28/63 tỉnh thành, được xếp trong nhóm có chất lượng điều hành kinh tế khá. So với năm 2015, PCI của tỉnh giảm cả về điểm và thứ hạng (PCI 2015 của tỉnh đạt 59 điểm, xếp 23/63 cả nước).

So với khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk xếp thứ 2 sau Lâm Đồng (58,66 điểm, xếp 27/63). Đáng chú ý là trong các chỉ số thành phần, Đắk Lắk có nhiều chỉ số quan trong bị giảm điểm. Theo đó, trong 10 chỉ số thành phần PCI 2016 có 5 chỉ số có điểm số và thứ bậc tăng (gia nhập thị trường, tính minh bạch,chi phí thời gian, tính năng động của lãnh đạo cấp tỉnh, đào tạo lao động); 5 chỉ số có điểm số và thứ bậc giảm so với PCI 2015 (tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý). Trong đó, trừ chỉ số tiếp cận đất đai giảm nhẹ về điểm nhưng không giảm về thứ bậc, cả 4 chỉ số còn lại đều giảm mạnh về cả điểm số lẫn thứ bậc so với PCI 2015. Đặc biệt, chỉ số chi phí không chính thức giảm sâu và thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng PCI 2016 (đứng thứ 58/63 tỉnh thành). Đây là những chỉ số ảnh hưởng nhất đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Trả lời Báo Đắk Lắk bên lề kỳ họp thứ Tư HĐND tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) mới đây, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh cho rằng, PCI của tỉnh tăng đến 26 bậc so với năm 2014, (từ 54 lên vị trí 28) cũng là một kết quả tốt, nhưng tỉnh chưa thực sự hài lòng với những nội dung thực chất của mình. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thật thông thoáng, hiệu quả phục vụ cho DN và người dân.

Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa TP. Buôn Ma Thuột.
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa TP. Buôn Ma Thuột.

Cần có sự vào cuộc đồng bộ

Thực tế trên cho thấy, chỉ số PCI của Đắk Lắk rất thất thường, thiếu tính ổn định và liên quan đến hàng loạt các vấn đề thuộc trách nhiệm của các sở, ban ngành và chính quyền các địa phương. Như Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Dương Thanh Tương từng chia sẻ, nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh, nhất là ở cấp lãnh đạo tỉnh là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều đó không mang lại kết quả khi mà ở cấp thực thi công vụ vẫn chưa thật sự cải cách. Trong khi đó, ý tưởng thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh hứa hẹn sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Thế nhưng ý tưởng này mãi vẫn còn trên giấy khiến tỉnh chưa có cơ quan đầu mối tiếp nhận “một cửa” về thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), giúp DN giảm đi lại nhiều lần, tiếp xúc với nhiều sở, ban ngành, địa phương làm phát sinh nhiều khoản chi phí không cần thiết. Trong khi đó thực tế tại các sở, ngành, địa phương, việc giải quyết hồ sơ của DN và người dân vẫn còn tình trạng kéo dài thời gian, cố tình gây khó khăn cho DN và người dân...

Có thể nói, việc nâng cao chỉ số PCI đã khó, nhưng để duy trì bền vững điểm số, cũng như vị thế chỉ số PCI ở mức cao lại càng khó hơn. Bởi đây là một cuộc cạnh tranh hết sức quyết liệt của các tỉnh, thành phố trong giai đoạn tăng tốc thu hút đầu tư hiện nay. Vì vậy, chỉ nỗ lực của lãnh đạo tỉnh thôi là chưa đủ, mà cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các sở, ngành, địa phương.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc