Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả cao từ trồng cà phê xen sầu riêng và hồ tiêu

08:25, 31/07/2017

Sau khi lập gia đình, năm 1992 vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh quyết định rời Quảng Ngãi vào lập nghiệp tại thôn 6c, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo.

Với số tiền tích cóp được ông mua 3 ha đất rẫy và trồng cà phê. Đến năm 1996, vườn cà phê của ông bắt đầu cho thu hoạch nhưng sản lượng chỉ ở mức trung bình 2-2,5 tấn/ha. Do chưa có nhiều kinh nghiệm về chăm sóc cà phê, ông Minh đã chủ động tìm đến học hỏi các mô hình trồng cà phê đạt năng suất cao ở các địa bàn lân cận về áp dụng cho vườn cà phê nhà nên từ năm 2002, năng suất cà phê của gia đình ông đã tăng lên đáng kể, gần 4 tấn/ha.

Sầu riêng trồng xen  trong vườn cà phê  của  gia đình ông Minh.
Sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê của gia đình ông Minh.

Nhận thấy đất trồng cà phê của mình phù hợp cho các loại cây ăn quả, năm 2010 ông Minh mạnh dạn trồng xen 140 cây sầu riêng giống Ri6 cơm vàng hạt lép, với mật độ cứ 6 cây cà phê trồng xen 1 cây sầu riêng để vừa che bóng cho cà phê vừa tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, chu kỳ tưới nước cho cà phê kéo dài hơn do được cây sầu riêng che bóng, giữ ẩm cho đất. Từ năm 2014 đến nay, sầu riêng nhà ông đã cho thu đều, bình quân mỗi cây 10 quả, năng suất năm nay ước đạt trên 4 tấn. Giá thương lái thu mua tại vườn dao động 40.000-60.000 đồng/kg, dự tính vụ mùa này ông sẽ thu về trên 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, sau một thời gian canh tác, thấy một số diện tích cà phê bắt đầu giảm năng suất, ông Minh quyết định chặt bỏ những cây cà phê già cỗi để trồng xen gần 2.000 trụ tiêu. Để các loại cây trồng sinh trưởng ổn định, ông thường sử dụng phân vi sinh, phân chuồng bón cho cây, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, vườn tiêu của gia đình ông đã cho thu hoạch ổn định, niên vụ 2016-2017 đạt sản lượng 8 tấn.

Với mô hình trồng cà phê xen sầu riêng và hồ tiêu, gia đình ông Minh mỗi năm thu nhập từ 1-1,5 tỷ đồng sau khi đã trừ các chi phí.

                                Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.