Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững

09:00, 09/07/2017

Giá hồ tiêu những năm gần đây có xu hướng giảm mạnh nhưng ở huyện Cư M’gar việc mở rộng diện tích vẫn không dừng lại.

Để tránh tình trạng “trồng chặt, chặt trồng” nhiều nông dân ở đây đang hướng đến việc thực hiện các mô hình canh tác bền vững cho cây tiêu.

Toàn huyện Cư M’gar hiện 3.532 ha tiêu, tập trung ở các xã Ea Kiết, Ea Tar, Cư Dliê Mnông, Quảng Tiến…. So với đầu năm 2017, diện tích đã tăng thêm 327 ha. Trong đó, tiêu được trồng xen trong vườn cà phê khoảng 1.899 ha, còn lại là trồng thuần.

Theo khảo sát, hiện giá hồ tiêu nông dân bán ra tại địa bàn huyện đang giảm mạnh, khoảng 76.000-77.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với cuối tháng 4 và giảm 50- 60.000 đồng/kg so với niên vụ trước. Đây là mức giảm sâu nhất từ 5 năm nay, thời hoàng kim của hồ tiêu có lúc lên trên 200.000 đồng/kg (năm 2012).

Nhiều vườn tiêu trồng bằng cây trụ sống ở xã Ea kiết bước đầu cho hiệu quả khá cao.
Nhiều vườn tiêu trồng bằng cây trụ sống ở xã Ea kiết bước đầu cho hiệu quả khá cao.

Theo Phòng NN-PTNT huyện, mặc dù giá tiêu liên tục giảm nhưng người dân địa phương vẫn tiếp tục chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh và cây điều cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng tiêu khiến diện tích cây trồng này phát triển vượt quy hoạch và không ngừng tăng qua các năm. Như xã Ea Kiết, năm 2012, diện tích hồ tiêu ở đây chỉ có 57 ha, sản lượng đạt 150 tấn thì đến cuối năm 2016, đã vượt lên 150 ha, sản lượng đạt 480 tấn. Trong đó, trồng thuần tiêu chiếm tỷ lệ 30%, còn lại trồng xen với cà phê. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã, hộ trồng nhiều nhất đến 10.000 trụ (khoảng 4 ha), còn phần nhiều thì trồng khoảng 1.500-3.000 trụ.

Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, trước thực trạng trên, địa phương khuyến cáo người dân chú trọng hơn đến việc thực hiện các quy trình sản xuất hiện đại để canh tác bền vững trên cây hồ tiêu như chủ động đầu tư mô hình tưới tiết kiệm bằng hệ thống ống dẫn; hạn chế bón phân hóa học, tăng cường sử dụng phân và thuốc sinh học, trồng tiêu bằng trụ sống thay cho trụ gỗ để hạn chế việc phá rừng. Bước đầu một số nông dân các xã như Ea Kiết, Ea Tar, Quảng Tiến… đã áp dụng và cho hiêụ quả khá tích cực: tiết kiệm đáng kể nguồn nước tưới, nhân lực; khả năng chống chọi với dịch bệnh của cây tiêu cũng tốt hơn. Anh Trần Xuân Cường, thôn 1, xã Ea Tar đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho 2.500 trụ tiêu của gia đình với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Theo anh, áp dụng mô hình này tiết kiệm được nhiều nhân lực, việc bón phân  chăm sóc cho cây cũng trở nên rất đơn giản. Trước đây khi chưa thực hiện công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm người nông dân chỉ thu được trung bình từ 4-5 kg hạt/gốc/năm, sau khi đưa vào tưới tiết kiệm và nhỏ giọt, năng suất hằng năm ổn định ở mức 6-7 kg/gốc, thậm chí có gốc đạt 8 kg.  Hiện, toàn huyện có hơn 30 ha hồ tiêu áp dụng tưới nhỏ giọt.

Cùng với đó, chính quyền cũng khuyến khích người dân sử dụng trụ sống để trồng tiêu nhằm hạn chế được nạn phá rừng và giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu, bảo đảm cho vườn tiêu phát triển bền vững. Cũng theo thống kê của huyện, tính đến thời điểm này, có hơn 30% diện tích hồ tiêu trên địa bàn được trồng bằng trụ sống. Anh Trần Minh Đức (thôn 7, xã Ea Kiết) cho hay, với vườn tiêu gần 3.000 trụ thì có đến 90% diện tích được anh trồng trên cây trụ sống vừa giúp che bóng mát, vừa kéo dài thời gian khai thác vườn tiêu. Ngoài ra, trong thời gian chờ tiêu phủ trụ, anh còn kéo dàn dây kẽm trồng thêm chanh dây để tăng độ ẩm cho đất và có thêm thu nhập, coi như một cách “lấy ngắn nuôi dài”. Chi phí giống chanh dây chỉ 30.000-35.000 đồng/cây, không phải chăm bón nhiều nên rất dễ sinh lời. Với hơn 500 trụ tiêu được trồng chanh dây thử nghiệm đã cho thu họach 1,5 tấn quả, giá bán ra từ 13.000-15.000 đồng/kg cũng giúp gia đình anh có thêm một khoản thu kha khá. Thời gian tới, anh đang tính nhân rộng mô hình này cho diện tích tiêu còn lại.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.