Kích cầu du lịch theo hướng nào?
Nhận thấy ngành Du lịch ngày càng “ăn nên làm ra” nên địa phương nào cũng tìm cách kích cầu ngành kinh tế quan trọng này. Tuy nhiên, việc kích cầu thế nào cho đúng hướng và hiệu quả là vấn đề đáng quan tâm.
Dựa vào cộng đồng
Còn nhớ, tại “Diễn đàn Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hướng tới đẳng cấp và thương hiệu” được tổ chức trong chuỗi sự kiện Festival Quảng Nam – 2017 vào trung tuần tháng 6 vừa qua, ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam cho rằng: Cộng đồng nào thì sản phẩm du lịch đó! Vì thế Quảng Nam xác định phải dựa vào cộng đồng để kích cầu du lịch. Bởi cộng đồng là yếu tố quan trọng tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế cạnh tranh cao.
Cồng chiêng xuống phố trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VI-2017. |
Ông Đinh Hài chia sẻ: Mặc dầu Quảng Nam sở hữu hai Di sản thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển Quốc tế Cù Lao Chàm danh tiếng, nhưng nếu cộng đồng ở đó không ý thức được việc gìn giữ, phát huy vốn “tài sản” quý giá của mình thì không thể có những sản phẩm du lịch chất lượng và khác biệt để thu hút, níu chân du khách. Có thể nói những di sản trên trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng như cả nước là nhờ những hoạt động (văn hóa, sinh kế) diễn ra trong đời sống hằng ngày của cư dân ở đây. Thông qua hình thức trải nghiệm với người dân Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn hay Cù Lao Chàm… du khách mới có điều kiện khám phá, hiểu biết sâu sắc hơn giá trị các di sản này – và theo đó, cộng đồng tại chỗ mới có cơ hội để nỗ lực bảo tồn và phát huy vốn quí của mình. Đây là hướng đi phù hợp, bền vững nhất trong việc kích cầu và phát triển du lịch của Quảng Nam, ông Đinh Hài nhấn mạnh.
Hòa tấu Ching Kram theo trống phục vụ du khách. |
Từ thực tiễn trên, khi nhìn vào Đắk Lắk nhiều người nhận xét: Việc kích cầu du lịch ở đây cũng được xúc tiến mạnh mẽ, nhưng hướng đi chưa thật sự đồng bộ và rõ ràng do thiếu người “cầm trịch” nên dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Điều đó dễ nhận thấy tại hai điểm du lịch tiêu biểu là Hồ Lắk và Buôn Đôn. Hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch ở đó kích cầu du lịch theo kiểu ăn chia sòng phẳng dựa trên sự đóng góp vật chất đơn thuần (voi, thuyền độc mộc, nhà dài…) của các cộng đồng dân tộc bản địa. Phần trăm được trích ra theo thỏa thuận giữa người sử dụng và người đóng góp với tỷ lệ 5 – 5 hay 4 – 6, tùy theo từng doanh nghiệp, đơn vị làm du lịch. Sau đó dường như không có mối liên hệ nào nữa, khiến cộng đồng cảm thấy không được gắn kết, chia sẻ trách nhiệm vì mục tiêu phát triển chung.
Vai trò của doanh nghiệp
Ông Y Né Krông (Buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) bày tỏ: Người M’nông, Lào ở đây, đâu phải nhà nào cũng có voi, thuyền độc mộc, hay nhà dài để góp vào ăn chia với du lịch. Vì thế còn rất nhiều người đứng ngoài cuộc và tất nhiên họ phải tìm sinh kế khác để kiếm sống, khiến sự cố kết cộng đồng thông qua hoạt động du lịch lỏng lẻo, thiếu hài hòa và không phát huy được tiềm năng, sức mạnh kích cầu du lịch trên địa bàn.
Nhiều người mong rằng, những đơn vị làm du lịch ở đây nên tạo ra các sản phẩm phong phú, đa dạng hơn như đưa du khách đến cùng ăn ở, sinh hoạt với bà con (dưới hình thức home stay) để họ có cơ hội tham gia phục vụ du lịch góp phần cải thiện đời sống. Và quan trọng hơn, trong động thái kích cầu, phát triển du lịch hiện nay, ngành VH-TT-DL cần khuyến khích các doanh nghiệp quy hoạch, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính cộng đồng sâu đậm hơn nhằm mang lợi ích đến cho nhiều người, nhất là những gia đình không có tài sản đáng kể để có thể liên kết với các đơn vị kinh doanh “ngành công nghiệp không khói” trên địa bàn. Bởi muốn kích cầu, phát triển du lịch bền vững thì nhất thiết phải hướng đến cộng đồng. Tất cả thành viên sinh sống trong vùng du lịch phải được chia sẻ và hưởng lợi từ ngành kinh tế có tính chất tổng hợp này.
Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tại buổi lễ ký kết hợp tác du lịch giữa các tỉnh thành miền Bắc và miền Trung – Tây Nguyên hồi cuối tháng 4-2017 được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột: Hướng đến những đối tượng nghèo để tạo công ăn, việc làm cho họ cũng là mục tiêu đặt ra cho các đơn vị khai thác và kinh doanh du lịch hiện nay. Làm được điều đó đồng nghĩa với việc góp phần tạo ra an sinh, xã hội cho địa phương và sự phát triển bền vững cho từng khu, điểm du lịch được quy hoạch trên toàn vùng.
Phương Đình
Ý kiến bạn đọc