Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị lúa gạo bằng phương pháp "sản xuất xanh"

05:03, 21/07/2017

Cả cuộc đời gắn bó với nghề làm ruộng, dường như cây lúa là một phần không thể thiếu đối với cuộc đời của lão nông Đoàn Văn Ương, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Đồng Nhất, xã Buôn Triết, huyện Lắk.

Nhận thấy bao nguy cơ từ sử dụng phân bón hóa học và sự xuống giá của thị trường gạo, ông Ương đã mạnh dạn tìm tòi, nghiên cứu hướng đi mới cho mình và cho cả HTX là sản xuất lúa hữu cơ.

HTXNN Đồng Nhất có 24 hộ xã viên và 20 ha lúa nước 2 vụ. Năm 2010 ông Ương chọn 1 vùng sình lầy bị bỏ hoang hóa để be bờ tát nước, bón lót phân vi sinh cải tạo đất và tiến hành trồng lúa hữu cơ trên diện tích 4 ha với giống lúa Tám thơm. Ông bắt đầu ký hợp đồng với Công ty Cổ phần nhượng quyền thương mại Quốc tế để nhập về phân bón sạch tăng trưởng Rabid Hydro (còn gọi là phân con cá) cùng với giấy chứng nhận hợp quy phân bón. Do còn thiếu kinh nghiệm và đất chưa được cải tạo triệt để nên ruộng lúa phát triển chưa đều, chỗ xanh chỗ vàng. Tuy vậy, năm đầu tiên thử nghiệm ông Ương thu được 7 tấn/ha. Đến năm 2015, khi đất bắt đầu thuần thục, đã cho năng suất trên 10 tấn/ha. Theo ông Ương, quá trình trồng lúa hữu cơ không phải ngày một ngày hai mà thành công; những năm đầu tiên có thể năng suất sẽ không tăng bao nhiêu vì đất còn nhiễm chất hóa học nặng do ảnh hưởng của các hộ xung quanh còn canh tác theo lối cũ. Ông Nguyễn Xuân Bính, một trong số ít những người dân mạnh dạn sử dụng phân bón hữu cơ cho toàn bộ 2 ha lúa của mình chia sẻ: “Khi còn trồng lúa bằng phân hóa học tôi chỉ thu được 13 - 14 tấn thôi. Nhưng khi bắt đầu trồng thử nghiệm lúa bằng phân hữu cơ tôi thu được 15 - 16 tấn lúa, với chi phí chăm bón rẻ hơn”. Để thu được kết quả đó, người trồng lúa phải tuân thủ nghiêm ngặt theo những quy trình chăm sóc. Theo cách mà ông Ương chia sẻ thì sau khi sạ xong đến ngày thứ 15 trở đi, cứ 7 ngày phun phân bón tăng trưởng Fish 1 lần, 1 sào phun 100 ml, kéo dài cho đến trước ngày thu hoạch 15 ngày thì dừng bón phân.

Ông Đoàn Văn Ương chia sẻ kinh nghiệm với người dân.
Ông Đoàn Văn Ương chia sẻ kinh nghiệm với người dân.

Hiện nay ở HTXNN Đồng Nhất mới chỉ có vài hộ canh tác theo phương pháp hữu cơ tại thôn Buôn Tung (còn hầu hết vẫn áp dụng xen kẽ phân hóa học và phân hữu cơ). Năm 2015, ông Ương bước đầu đã ký gửi tại các đại lý bán giúp sản phẩm của mình giới thiệu ra thị trường, với giá 20.000 đồng/kg gạo. Mặc dù hiện nay, hạt gạo được sản xuất theo hướng hữu cơ của ông Ương vẫn đang chờ xin thủ tục chứng nhận, nhưng hiện đã có nhiều khách hàng tìm đến ông đặt vấn đề liên kết sản xuất, tiêu thụ. Hằng năm, HTX cung cấp cho thị trường tỉnh Đắk Lắk 600 tấn gạo hữu cơ thành phẩm. Năm 2014, HTX bắt đầu ký hợp đồng liên kết cung cấp giống lúa cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình (TSC) 400 tấn/năm, qua đó, thay vì phải làm một mình như những năm trước thì ông Ương đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn và tư vấn thêm về sản xuất hữu cơ từ các chuyên gia TSC.

Đánh giá về vai trò của thị trường, ông Phạm Cao Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TSC cho biết, nhìn chung điều kiện tự nhiên ở thôn Buôn Tung 1 khá thuận lợi  nên năng suất lúa dễ dàng đạt từ 9 - 10 tấn/ha (trong khi ở Thái Bình chỉ đạt 6 - 7 tấn/ha). Gạo hữu cơ sản xuất từ giống lúa ở thôn buôn Tung rất được nhiều khách hàng của TSC ưa chuộng và nhu cầu sử dụng đang ngày càng tăng. Là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, TSC nhận thấy được ưu điểm vượt trội đó nên Công ty sẽ tìm hiểu và đầu tư thêm một vài mô hình đạt chuẩn nữa, đồng thời cam kết bao tiêu 100% sản phẩm cho người dân thôn Buôn Tung.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.