Multimedia Đọc Báo in

Lại "vỡ mộng" vì… chanh dây!

08:43, 24/07/2017

Khoảng 6 năm về trước, khi trái chanh dây được thương lái thu mua giá cao (khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg), người dân trong tỉnh đổ xô trồng loại cây này để mong làm giàu.

Rồi sau đó, đâu đâu cũng thấy người dân thu hoạch chanh dây, dẫn đến việc nguồn cung lớn hơn cầu, giá giảm mạnh chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg, thậm chí ở nhiều vùng, người trồng chanh không bán được đành phá bỏ. Câu chuyện đó lại đang tái diễn trong những tháng gần đây khiến không ít người điêu đứng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dung ở thôn Ea Chăm, xã Ea Tân (huyện Krông Năng) có 2 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, tuy nhiên trước mức giá hấp dẫn của chanh dây (thời điểm cuối năm 2016 khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg), bà quyết định phá bỏ 1 ha cà phê, vay vốn ngân hàng được 80 triệu đồng để đầu tư mua cây giống, dây thép và thuê nhân công trồng chanh dây. Các nhà vườn bán cây giống trong xã đều “cháy hàng” chanh dây do nhiều người đổ xô trồng nên bà Dung phải sang một số vườn ươm của xã khác để gom đủ số lượng 500 cây giống với giá 40.000 đồng/gốc về trồng. Thế nhưng, khi vườn cây cứ xanh mượt lá mà chẳng thấy ra hoa, đậu quả, bà mới tá hỏa nhận ra mình mua nhầm giống “đểu”. Bà Dung buồn rầu cho hay, chanh dây trồng đã hơn 7 tháng mà khắp vườn chỉ có khoảng 10 cây ra quả, cây nhiều nhất được trên dưới 20 quả. Tính đến thời điểm này gia đình bà đã mất trắng khoảng trên 100 triệu đồng vì chanh dây, chưa kể công chăm sóc.

Bà Phan Thị Thùy Linh ở thôn Xuân Lộc, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng đang chăm sóc vườn chanh dây.
Bà Phan Thị Thùy Linh ở thôn Xuân Lộc, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng đang chăm sóc vườn chanh dây.

Còn với hộ ông Vũ Văn Thanh ở thôn Ea Tuk, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) những ngày này cũng đang như “ngồi trên đống lửa” bởi có bao nhiêu vốn liếng trong nhà từ đầu năm đến nay đã “dốc” hết vào 1,2 ha chanh dây. Sau hơn 6 tháng chăm sóc, vườn chanh dây bắt đầu bước vào vụ cho thu hoạch thì cũng là thời điểm dịch bệnh hoành hành và giá trên thị trường rớt thảm. Ông Thanh tính toán, ngoài 100 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu thì mỗi tháng gia đình cũng phải mua thêm thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ sâu bệnh 5 - 6 lần, cộng với tiền phân bón, thuê người chăm sóc… khoảng trên 10 triệu đồng.

Mặc dù hiện nay vườn cây cho năng suất khá cao, ước khoảng 12 tấn quả nhưng giá chanh dây trên thị trường chỉ còn 7.000 đồng/kg, trong khi tư thương lại ép đủ đường, kén chọn những quả to, chín mọng còn những quả nhỏ và bị đốm vỏ là không mua. “Nếu giá chanh dây giữ ổn định như trước khoảng 50.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lứa này gia đình tôi thu khoảng 450 triệu đồng, còn với giá cả như hiện nay thì lỗ khoảng 30 - 50 triệu đồng”- ông Thanh than thở.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay toàn tỉnh cũng có khoảng 500 ha chanh dây, tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Năng, Krông Ana, Buôn Đôn, Krông Pắc… với năng suất bình quân đạt từ 8-9 tấn/ha. Trước thực trạng trên, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các địa phương cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách để người dân hiểu hết những nguy hại của việc trồng cây theo phong trào, tránh tình trạng người nông dân lại sa vào cảnh “trồng chặt, chặt trồng”…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.