Multimedia Đọc Báo in

Nhiều "nút thắt" trong xây dựng nông thôn mới ở Ea Trang

17:54, 12/07/2017

Xã Ea Trang (huyện M’Đrắk) hiện có 1.211 hộ dân với hơn 5.556 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 96,7%. Do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, xã Ea Trang đang loay hoay với nhiều “nút thắt” khó gỡ trong xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Y Đôi Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Trang, đến nay Ea Trang mới chỉ hoàn thành được 5/19 tiêu chí nông thôn mới (gồm các tiêu chí về quy hoạch, bưu điện, cơ cấu lao động, hệ thống chính trị vững mạnh và an ninh trật tự xã hội). Hiện nay, xã có 2 buôn Ea Bra và Ea Kiu cách trung tâm xã hơn 10 km với hơn 150 hộ đồng bào Mông di cư vẫn chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm). Để đạt được 14 tiêu chí còn lại, xã đang phải tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong khi tốc độ phát triển kinh tế của địa phương còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng nhiều bất cập…

Nan giải nhất là tiêu chí giao thông. Trên địa bàn xã Ea Trang có khoảng 105 km đường giao thông, trong đó tỷ lệ đường bê tông hoá và cứng hoá ước thực hiện 50% (2/3 chiều dài đường bê tông ở xã được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng thông qua các dự án); phần lớn đường nội thôn, nội đồng vẫn là đường đất, sỏi xuống cấp, lầy lội về mùa mưa.

Người dân xã Ea Trang tham gia làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Ea Trang tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Các tiêu chí về thu nhập, y tế và hộ nghèo cũng là những trở ngại lớn của Ea Trang. Dù cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu song phần lớn diện tích đất canh tác của địa phương là đồi núi, không chủ động được nguồn nước tưới. Các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển rất chậm; công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở xã chiếm khoảng 71%, thu nhập bình quân mới đạt 7,5 - 8,5 triệu đồng/người/năm. Để giúp người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thời gian qua xã Ea Trang đã thực hiện nhiều giải pháp như: xây dựng các mô hình trình diễn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là phát triển kinh tế rừng và nhân rộng các mô hình nuôi bò bán công nghiệp... Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.    

Thiếu nguồn vốn đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến việc xây dựng kết cấu hạ tầng ở Ea Trang gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới với các Chương trình 135, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên... để tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học… đồng thời tuyên truyền, vận động người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng do đời sống còn nhiều khó khăn nên sự đóng góp của nhân dân và nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp gần như không có, kinh phí thực hiện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn của Nhà nước. Vì vậy, việc hoàn thành các tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi, chợ nông thôn, môi trường rất khó khăn.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.