Multimedia Đọc Báo in

Nông nghiệp công nghệ cao: Thế mạnh và thách thức

14:40, 31/07/2017

Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh để phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao.

Nền nông nghiệp cũng đang trên đà phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành những vùng chuyên canh một số mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế như cà phê, cao su, hồ tiêu…

Từ đó các cấp chính quyền cùng ngành nông nghiệp ở địa phương đã xây dựng, hoạch định nhiều chính sách kích cầu, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào đời sống sản xuất. Từ tháng 5-2012, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU về việc “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất”. Theo đó, ngày 25-12-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2724/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020”. Như vậy, về mặt pháp lý, Đắk Lắk đã tạo ra hành lang cần thiết và thông thoáng để người dân và doanh nghiệp bắt tay thực hiện đề án, kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ứng dụng công nghệ cao vào mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu được nhiều hộ nông dân phường Tân lợi áp dụng.jpg
Ứng dụng công nghệ cao vào mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu được nhiều hộ nông dân phường Tân lợi áp dụng. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng thì nền nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nặng tính tự phát, sản phẩm làm ra đều dừng lại ở mức chế biến thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường nhằm tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng cho từng mặt hàng. Bên cạnh đó, tiềm năng, lợi thế về đất, rừng và nhiều yếu tố khác… mặc dầu rất lớn nhưng chỉ mới tập trung khai thác theo bề rộng, chứ chưa chuyên sâu để phát huy hiệu quả, chất lượng. Đặc biệt là phương thức sản xuất, phát triển còn dựa vào tài nguyên là chính, ít được áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến. Ở đây, chỉ nhìn vào lĩnh vực sản xuất cà phê được cho là thế mạnh vượt trội nhất sẽ thấy rõ điều đó.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay diện tích cà phê được ứng dụng công nghệ cao chỉ dừng lại ở khâu sản xuất giống (chủ yếu trong các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học); lồng ghép việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào một số chương trình khuyến nông như ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp bón phân qua nước và một số mô hình thực nghiệm nhỏ lẻ khác. Hiện tại cũng chỉ có gần 20% tổng diện tích cà phê (khoảng 18.000 ha) được một số công ty, doanh nghiệp liên kết với nông dân tập huấn sản xuất cà phê có chất lượng, chứng nhận tiêu chuẩn 4C, UTZ, RFA, RainForest… đồng thời bao tiêu sản phẩm cho những thành viên trong vùng liên kết. Còn lại hàng vạn nông hộ làm cà phê vẫn đang phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường, cũng như thời đại khoa học, công nghệ đang phát triển từng ngày.  

Câu hỏi đặt ra là tại sao vấn đề “sống- còn” ấy (gắn sản xuất với khoa học công nghệ) trên địa bàn lại chậm chạp đến thế, nếu không nói là “giẫm chân tại chỗ”, mặc dù chủ trương, chính sách đã được ban hành (?) Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng: Phải cần thời gian để thực hiện mục tiêu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trên diện tích tối thiểu là 28.000 – 30.000 ha cà phê vào năm 2020. Và đến năm 2030, con số này sẽ được nâng lên khoảng 60.000 ha theo “Quy hoạch tổng thể khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015.  

Để đạt mục tiêu này, thời gian cũng là thách thức đặt ra cho cả “4 nhà”: nhà quản lý - nhà khoa học - nhà nông và doanh nghiệp. 

    Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.