Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu: Cần có sự khảo sát đánh giá toàn diện

16:58, 25/07/2017

Đắk Lắk là một trong những địa phương trong cả nước chịu nhiều ảnh hưởng, tác động do biến đổi khí hậu (BĐKH), đặt ra nhiều thách thức trong quy hoạch, phát triển đô thị hiện nay...

BĐKH toàn cầu, thời tiết diễn biến thất thường đã làm cho tình trạng hạn hán xảy ra trên địa bàn tỉnh ta ngày càng nghiêm trọng và đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Sự tác động của BĐKH cũng đã làm cho số trận mưa cường độ lớn có xu thế tăng lên, cùng với nạn phá rừng đã làm thay đổi diện mạo tự nhiên của các lưu vực khiến dòng chảy trở nên hung dữ, gia tăng mức độ tàn phá. BĐKH và phát triển đô thị liên quan với nhau chặt chẽ và thường tương tác tiêu cực. Khi mặt đất dần bị “bê tông hóa”, các khoảng không gian bị chiếm, khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn sẽ ngày một suy giảm. Đơn cử như ở TP. Buôn Ma Thuột, khi mưa lớn, nước ngập nặng và chảy xiết ở một số tuyến đường như: Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, Quang Trung... Riêng đường Lê Duẩn đoạn từ ngã ba Đinh Tiên Hoàng đến ngã ba Y Wang, nhất là điểm gần cầu Ea Tam, có độ dốc lớn, nước đổ từ các tuyến đường Nguyễn Viết Xuân, Y Ơn chảy như lũ quét gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông là thực trạng nhức nhối… Ngoài nguyên nhân mưa lớn bất thường thì lũ ngay trên đường phố xuất hiện một mặt do việc nạo vét hệ thống cống thoát nước mưa, không khơi thông các điểm thu nước trên đường, mặt khác còn do hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ.

Một góc đô thị xanh Buôn Ma Thuột.
Một góc đô thị xanh Buôn Ma Thuột.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Cường, Quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng),  BĐKH luôn thay đổi, khó dự đoán, việc phát triển đô thị trong bối cảnh BĐKH đang đặt ra khá nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi công tác quy hoạch phải hết sức linh hoạt và uyển chuyển. Đối với đô thị ở Đắk Lắk, những vấn đề cần quan tâm trong quá trình phát triển đô thị ứng phó với BĐKH gồm: phát triển không gian xanh và sử dụng quỹ đất, nguồn nước; ứng phó với mưa, lũ, sạt lở; sử dụng năng lượng; bảo vệ không gian xanh... Trong đó, việc tôn trọng không gian cho nước, dòng chảy là một trong những yếu tố quan trọng cần được chính quyền địa phương đặc biệt lưu tâm để hạn chế và tránh tình trạng ngập lụt, lũ quét trong đô thị. Bên cạnh đó là gia tăng các giải pháp hệ thống thảm thực vật và không gian xanh mặt nước, một trong những giải pháp đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với BĐKH, đặc biệt là đối với sự gia tăng nhiệt độ, lưu giữ nước mưa, bổ cập nước ngầm, giảm tác động hán hạn, điều hòa vi khí hậu...

Theo Sở Xây dựng, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, điều kiện sống của người dân đô thị cũng như đã khẳng định được vị trí động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, dù đã được ưu tiên tập trung nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng trong đó đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Để xây dựng đô thị bảo đảm khả năng thích ứng với biến đối khí hậu, cần có sự khảo sát, đánh giá toàn diện về tác động của nó đến các khu đô thị đối với các vấn đề ngập lụt, sạt lở gia tăng do lũ quét; nhiệt độ tăng; ô nhiễm gia tăng do ngập lụt; đe dọa chất lượng nguồn nước cấp.  Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị bền vững, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu nhằm khắc phục và hạn chế thấp nhất khả năng tổn thương đối với khu vực đô thị; giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong các hoạt động của ngành, đặc biệt trong sản xuất vật liệu xây dựng; đẩy mạnh phát triển công trình xanh, đô thị xanh, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH. Trong khoảng 800 đô thị, Việt Nam có tới khoảng 300 đô thị ven biển sẽ chịu sự tác động rất lớn của BĐKH, như tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường; khoảng 140-150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.