Rất cần những nghiên cứu phục vụ chế biến nông sản sau thu hoạch
Do đặc thù của địa hình nên thời tiết, khí hậu của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng rất thích hợp để phát triển nông nghiệp nhưng lại không thuận lợi đối với việc sơ chế, bảo quản nông sản của nông dân.
Trong khi đó, việc nghiên cứu khoa học, kỹ thuật lại chưa chú trọng đến lĩnh vực này, vì vậy hiện nay, người dân chủ yếu sơ chế, chế biến nông sản theo cách làm truyền thống – chủ yếu là phơi dưới trời nắng, một số ít được đưa vào lò sấy thủ công.
Điển hình như cây ngô, sau khi thu hoạch ngoài đồng về được sơ chế bằng máy tuốt đa năng và phơi trên sân. Để tiết kiệm thời gian phơi, đa số nông dân đều để quả bắp khô trên vườn mới thu hoạch và tách hạt bằng máy tuốt lúa. Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ sau 2-3 nắng là hạt bắp khô có thể lưu kho hoặc bán cho các đại lý, nếu thời tiết bất lợi thì phải ủ đống nhiều ngày, hạt mốc, nảy mầm, chất lượng sụt giảm, khi thương mại bị thương lái ép cấp, ép giá. Tương tự, với lúa cũng vậy, nếu thời tiết thuận lợi thì chỉ vài nắng là khô khén nhưng nếu gặp mưa kéo dài, lúa ủ đống nhiều ngày, chất lượng gạo giảm mạnh.
Sơ chế hồ tiêu tại huyện Cư Kuin. |
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT cho biết, các nghiên cứu về giống, kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng không còn mới đối với nông dân nữa bởi bản thân họ từ lâu đã trở thành những chuyên gia thực địa trên chính mảnh vườn của mình. Cái thiếu hiện nay khiến nông nghiệp vẫn chưa phát triển mạnh theo hướng hàng hóa mà các công trình nghiên cứu khoa học chưa chú ý đến là công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Bởi, nông sản thường thu hoạch theo mùa với khối lượng lớn, trong khi diện tích sân phơi trong dân còn hạn chế, việc bảo quản gặp nhiều khó khăn do đặc thù thời tiết. Do đó, nên có những nghiên cứu có sự tham gia của các sở, ngành của các địa phương liên quan đến vùng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ cho chế biến nông sản sau thu hoạch. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi đi kèm trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới định hướng được cho các nhà doanh nghiệp bỏ tiền ra để đầu tư với kết quả thực tế thiết thực và nhân rộng đại trà.
Trên thực tế, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch nhưng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay do nhiều yếu tố khác nhau. Mặt khác, trên thị trường hiện nay cũng có những máy móc, nông cụ hỗ trợ nông dân khâu sơ chế sau thu hoạch nhưng giá thành của nó quá lớn đối với các nông hộ. Vì vậy, cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch với các thiết bị, máy móc có giá thành thích hợp với quy mô nông hộ để ngành nông nghiệp cùng lúc giải quyết được vấn đề giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng nông sản.
Thuận Thanh
Ý kiến bạn đọc