Multimedia Đọc Báo in

Đưa nông nghiệp công nghệ cao lên vùng biên

07:39, 22/08/2017

Một dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai trên vùng đất khô cằn ở huyện biên giới Ea Súp, mở ra triển vọng về hướng đi mới trong phát triển kinh tế vùng đất này.

Dù đang là mùa mưa, nhưng khu vực biên giới có những ngày trời nắng nóng hầm hập, khiến nhiều loại cây trồng khô héo. Trong bối cảnh đó vẫn có một nông trang xanh mướt, cây cối tốt tươi không khỏi khiến nhiều người ngạc nhiên. Đó là vùng dự án trồng ca cao công nghệ cao của Công ty Ca cao Intercontinental Coporation liên kết với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Ea Súp. Để thực hiện dự án, công ty đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu… ở đây trong vòng một năm. Những diện tích đầu tiên được xuống giống từ tháng 8-2016, với 50 ha ca cao và một số cây trồng phụ trợ khác. Do thời tiết nắng nóng, đất “chưa nắng đã khô”, vấn đề nan giải nhất là giải quyết khâu tưới tiêu cho diện tích cây trồng. Để khắc phục những khó khăn đó, công ty đã áp dụng công nghệ cao với kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt, trong đó, tất cả các khâu khảo sát, thiết kế, lắp đặt đều được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia Israel. Vào mùa khô, nước được bơm từ sông Ea H’leo lên dự trữ trong các hồ chứa nhân tạo, phân bón được hòa vào nước để tưới cho từng gốc cây với tần suất 2 lần/ngày, vừa bảo đảm lượng nước, dinh dưỡng cho cây vừa tiết kiệm nhân công, chi phí. Để tiêu nước, khu vực canh tác được tính toán, thiết kế một cách chính xác theo nguyên tắc “nước chảy về chỗ trũng”, kết hợp lên luống và xây dựng hệ thống mương thoát nước để cây trồng không bị ngập úng. Nhờ áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, bình quân mỗi lao động ở trang trại có thể quản lý, chăm sóc 2 ha cây trồng. Để cây ca cao phát triển tốt, công ty còn trồng xen chuối Nam Mỹ để chắn gió và tăng thêm thu nhập trong giai đoạn kiến thiết.

Cán bộ Công ty Ca cao Intercontinental Coporation kiểm tra vườn cây.
Cán bộ Công ty Ca cao Intercontinental Coporation kiểm tra vườn cây.

Sau một năm trồng, cây ca cao đang phát triển xanh tốt trong khi cây chuối trồng xen bắt đầu cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 25 – 30 tấn/ha và dự kiến xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, với khối lượng khoảng 1.000 tấn. Riêng  năm nay, công ty đã mở rộng diện tích trồng ca cao thêm 200 ha. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ cây giống ca cao và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho 5 hộ dân địa phương để giúp bà con từng bước tiếp cận với cây trồng và kỹ thuật canh tác mới. Ông Đinh Hải Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, mỗi năm đơn vị sẽ trồng mới khoảng 200 ha ca cao và ổn định diện tích ở mức 1.000 ha, đồng thời, áp dụng hệ thống máy móc công cụ nông học công nghệ cao cho toàn bộ chuỗi giá trị của loại cây này, từ khâu chọn giống, chăm sóc đến công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, tổng vốn đầu tư toàn bộ dự án 200 – 300 tỷ đồng. Trong thời gian tới, bên cạnh diện tích của công ty, đơn vị sẽ mở rộng liên kết với các hộ dân 2 xã Ya Lốp, Ia R'vê với quy mô 3.000 ha; người dân được chuyển giao kỹ thuật để tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Khi sản lượng đủ lớn, khoảng 10.000 tấn/năm, bên cạnh xuất khẩu hạt khô, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến sâu ca cao tại địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm.

Trồng xen chuối Nam Mỹ trong mô hình vườn cây ca cao của Công ty Ca cao Intercontinental Coporation.
Trồng xen chuối Nam Mỹ trong mô hình vườn cây ca cao của Công ty Ca cao Intercontinental Coporation.

Thượng tá Phạm Văn Dương, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng Ea Súp cho biết, thật chẳng dễ dàng gì để phát triển kinh tế trên mảnh đất cát khô cằn này. Từ thành quả bước đầu của dự án trồng ca cao công nghệ cao, đơn vị sẽ phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ người dân phát triển cây ca cao để tăng thu nhập cho bà con, qua đó củng cố an ninh, quốc phòng nơi phên dậu biên cương của Tổ quốc. 

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.