Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên xã Ea Khal với phong trào lập thân, lập nghiệp

07:09, 21/08/2017

Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều năm qua phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp đã được tuổi trẻ xã Ea Khal, huyện Ea H’leo tích cực hưởng ứng với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Là một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên lập nghiệp của xã Ea Khal, năm nay mới 29 tuổi nhưng anh Võ Văn Cường (thôn 8) đã tạo lập được một cơ ngơi ổn định, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Bình Dương, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Với diện tích đất rẫy bố mẹ cho, anh Cường mạnh dạn đầu tư xây dựng 500 m2 chuồng trại nuôi gần 400 con heo thịt, 200 con chim bồ câu; cải tạo và mở rộng 3 ao cá (diện tích mỗi ao 0,2 ha) thả các loại cá: trắm, chép, rô-phi... Cùng với 1,5 ha cà phê có sẵn trước đó, để đa dạng cây trồng và tăng năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác, năm 2014, anh bắt đầu trồng xen 600 trụ tiêu trong vườn cà phê. Anh Cường chia sẻ, thời gian đầu anh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng, vì vậy anh thường xuyên học hỏi kinh nghiệm qua mạng Internet, đồng thời tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Đoàn thanh niên tổ chức. Đến nay, mô hình vườn - ao - chuồng của anh Cường đã đi vào ổn định, với sản lượng hằng năm xuất gần 40 tấn heo thịt, 4 tấn cá, 2-3 tấn cà phê.

Anh Cường đang chăm sóc vườn cà phê xen tiêu của gia đình.
Anh Cường đang chăm sóc vườn cà phê xen tiêu của gia đình.

Trong vai trò Bí thư Đoàn xã Ea Khal, anh Bùi Ngọc Dực (36 tuổi) không những năng đông, nhiệt tình trong công tác Đoàn mà còn là tấm gương về ý chí vươn lên trong quá trình lập thân, lập nghiệp tại địa phương. Sau thời gian tìm hiểu, học tập các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình đạt hiệu quả ở trong vùng, anh đã áp dụng theo hướng phù hợp với diện tích nhà mình. Anh quyết định chặt bỏ những cây cà phê già cỗi và trồng xen hơn 200 trụ tiêu, 100 cây ăn quả các loại theo tỷ lệ xen canh hợp lý. Đồng thời, năm 2007, anh mua thêm 1,1 ha đất để trồng cao su. Hiện tại, với hơn 2 ha cà phê mỗi năm anh thu 6-8 tấn; cao su cho sản lượng gần 5 tấn mủ/năm, cùng nguồn thu từ hồ tiêu và cây ăn trái, sau khi trừ chi phí, cho vợ chồng anh có số tiền lãi 200 triệu đồng/năm.

Được biết, Ea Khal là một trong những xã khó khăn của huyện Ea H’leo với địa hình đồi dốc kéo dài, trên 60% dân cư là người dân tộc thiểu số nên điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế. Đoàn xã Ea Khal hiện có 23 chi đoàn, gồm 16 chi đoàn thôn, buôn; 5 chi đoàn trường học; 2 chi đoàn cơ quan, quân sự. Ngoài sự nỗ lực của mỗi cá nhân, Đoàn xã cũng đã hỗ trợ đoàn viên thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm... Tuy còn nhiều khó khăn nhưng đến nay, phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp ở xã Ea Khal đã được triển khai thực hiện ở hầu hết các chi đoàn. Nhiều mô hình sản xuất kinh tế mang lại hiệu quả khá tốt, gần 100 hộ thanh niên có thu nhập trên 70 triệu đồng/năm, góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.