Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ hoạt động khuyến nông ở huyện Krông Bông

13:31, 29/08/2017

Xác định khuyến nông là hoạt động quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân, những năm qua huyện Krông Bông luôn chú trọng xây dựng mô hình, đưa các giống cây, con mới với kỹ thuật sản xuất tiên tiến đến với nông dân.

Lúa là một trong những cây trồng chính của huyện, tuy nhiên năng suất bình quân hằng năm trên địa bàn còn thấp, chỉ đạt gần 6 tấn/ha, trong khi đó nông dân vẫn chưa mặn mà đối với lúa lai do chi phí giống cao, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế. Với mục đích đưa giống mới đến cho người dân, vụ đông xuân 2016-2017, Trung tâm Khuyến nông huyện triển khai mô hình thâm canh lúa thuần chất lượng cao Đài Thơm 8. Mô hình được triển khai trên diện tích 1,4 ha tại các xã Hòa Sơn, Hòa Thành và Yang Réh với năng suất vượt trội trên 9 tấn/ha, chất lượng gạo thơm ngon hơn các giống lúa truyền thống trên địa bàn như HT1, ML48… Ông Võ Thanh Sơn, xã Yang Réh cho biết, những năm trước, với diện tích 2,8 sào, gia đình thu về hơn 2 tấn lúa, năm nay thực hiện mô hình giống mới Đài Thơm 8 cũng diện tích trên nhưng thu về gần 3 tấn. Qua quá trình canh tác cho thấy, Đài Thơm 8 có nhiều ưu điểm hơn các giống lúa truyền thống tại địa phương như năng suất cao, cứng cây, chống đổ ngã tốt, đẻ nhánh khỏe, cơm ngon.

Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Hùng, xã Yang Kang cho hay, đầu tháng 5-2017 gia đình ông được Trạm Khuyến nông huyện lắp đặt mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây hồ tiêu trên diện tích 0,5 ha. Trước đây, khi đến chu kỳ bón phân cho hồ tiêu, gia đình ông phải căn thời điểm trời mưa hoặc tưới nước cho mỗi đợt bón nên rất tốn công. Nay, gia đình chỉ việc hòa phân bón vào thùng chứa nước và bật công tắc là toàn bộ vườn tiêu được bón phân cân đối, đầy đủ theo đúng nhu cầu của cây.

Giống lúa Đài Thơm 8 tại xã Yang Réh cho năng suất 9 tấn/ha.
Giống lúa Đài Thơm 8 tại xã Yang Réh cho năng suất 9 tấn/ha.

Còn với gia đình ông Ama Phúc, xã Ea Trul có đàn bò 5 con nhưng là giống bò địa phương, nhỏ con, tỷ lệ thịt thấp nên khi xuất bán thường bị các thương lái ép giá. Trong khi đó, với tập quán thả rông tự do trên đồng ruộng khiến việc thụ tinh nhân tạo cho đàn bò không thể thực hiện được nên việc cải tạo đàn bò gần như rơi vào bế tắc. Tháng 5-2017, gia đình ông đã được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ bò đực giống Zêbu trị giá 60 triệu đồng khiến ông rất phấn khởi, bởi giống bò này to hơn hẳn bò địa phương, ông hy vọng nhờ đó, đàn bò của gia đình và các hộ trong buôn sẽ cải thiện hơn về vóc dáng và chất lượng.

Theo đánh giá của ngành Khuyến nông, việc xây dựng các mô hình giống lúa mới, tưới tiết kiệm nước và cải tạo đàn bò trực tiếp bằng bò đực giống nhập khẩu đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong việc tìm hiểu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Ông Nguyễn Đức Trung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết, bên cạnh xây dựng các mô hình sản xuất bằng nguồn kinh phí Nhà nước, những năm qua huyện còn phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên, Tập đoàn Lộc Trời, các công ty giống cây trồng, vật nuôi xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Riêng từ đầu năm đến nay, Trạm phối hợp với các đơn vị tổ chức gần 10 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất ngô lai, lúa nước, cà phê, nuôi bò… với gần 300 lượt nông dân tham dự. Cùng với đó là việc phát triển đội ngũ khuyến nông cơ sở với 19 khuyến nông viên cấp xã, 132 cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn. Lực lượng này đã đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng mô hình, tạo hiệu quả thiết thực trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.