Multimedia Đọc Báo in

Sức bật của huyện cửa ngõ phía Đông tỉnh

07:23, 29/08/2017

Nhìn lại 40 năm tái thành lập, huyện M’Đrắk đã có những bứt phá về kinh tế - xã hội khá vững chắc: Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; đời sống nhân dân, nhất là vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện…

Những ngày đầu tái lập, huyện M’Đrắk đối mặt với bộn bề khó khăn, thử thách: kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, cơ sở vật chất hầu như không có gì. Toàn huyện chỉ có trên 40 ha lúa nước, điều kiện canh tác hoàn toàn dựa vào thiên nhiên; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kiểu chăn thả tự do; tình trạng thiếu đói thường xuyên xảy ra, nhất là tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số... Tuy nhiên được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo sâu sát của cấp trên, phát huy tinh thần đoàn kết Đảng bộ, chính quyền huyện M’Đrắk đã lãnh đạo nhân dân thi đua sản xuất, từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh để chuyển đổi cơ cấu kinh tế một cách phù hợp. Điều này đang tạo ra sự chuyển động mới ở M’Đrắk,  được thể hiện rõ nét trên từng lĩnh vực.

Xác định nông nghiệp là thế mạnh, cùng với mở rộng diện tích đất canh tác, huyện M’Đrắk đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Đến cuối năm 2016, tổng diện tích gieo trồng đạt 33.890 ha, trong đó cây hằng năm là 29.547 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 76.278,5 tấn, diện tích cây lâu năm là 4.343 ha. Hiện toàn huyện có hơn 7.000 ha mía, cung cấp nguyên liệu cho một số nhà máy đường của các tỉnh Tây Nguyên và Khánh Hòa. Keo lai - là cây trồng đem lại  nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Trước đây, chu kỳ khai thác của cây keo lai hơn 6 năm thì nay chỉ còn hơn 4 năm. Mỗi hec ta keo lai cho sản lượng bình quân trên 100 tấn, trị giá khoảng 80-90 triệu đồng. Một điều dễ nhận thấy, vài năm gần đây ngành Nông nghiệp của huyện đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Hiện M’Đrắk đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với một số loại cây ăn trái trên địa bàn 2 xã Ea Pil và Cư Prao với quy mô tổng diện tích khảo sát trên 130 ha. Ngoài các loại cây trồng chủ lực trên, huyện M’Đrắk cũng đã duy trì và phát huy được lợi thế phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, từng bước đi vào chiều sâu và nâng cao chất lượng với đàn trâu, bò gần 20.000 con.

Chủ tịch UBND huyện M'Đrắk Hòa Quang Khiêm (bìa trái) thăm Nhà máy băm dăm mảnh, Chi nhánh HTX Tiến Nam.  Ảnh:  N. Hoa
Chủ tịch UBND huyện M'Đrắk Hòa Quang Khiêm (bìa trái) thăm Nhà máy băm dăm mảnh, Chi nhánh HTX Tiến Nam. Ảnh: N. Hoa

Đối với sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, M’Đrắk đã quy hoạch một cụm công nghiệp với quy mô 70 ha. Hiện nay đã có 5 doanh nghiệp triển khai đầu tư (gồm 3 nhà máy chế biến lâm sản hoạt động và 2 nhà máy đang hoàn thiện hồ sơ). Sản phẩm chính của các cơ sở này là chế biến gỗ rừng trồng. Ngoài ra còn có nhà máy chế biến tinh bột sắn, các cơ sở chế biến thức ăn gia súc quy mô vừa và nhỏ. Với sự chuyển mình mạnh mẽ, tốc độ phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương được đẩy nhanh. Giá trị sản xuất liên tục tăng qua các năm, đến năm 2016 đạt 2.712,5 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010); thu nhập bình quân đầu người đạt 22,4 triệu đồng/năm.

Kinh tế phát triển, các địa phương có điều kiện đầu tư kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, toàn diện; triển khai mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện hiện có 63 công trình thủy lợi, hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn được cứng hóa, 13/13 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia. Nhiều công trình phúc lợi được xây dựng từ khu trung tâm đến vùng sâu, vùng xa như trường học, trạm y tế, bưu điện văn hóa... Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đúng đối tượng, kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

40 năm xây dựng, phát triển, huyện M’Đrắk giờ đã thực sự “thay da đổi thịt”. Đó là thành quả của tinh thần đoàn kết, thống nhất cao độ trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, sự tích cực đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. Đứng trước những thời cơ và thách thức hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện M’Đrắk đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống dân cư, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng an ninh; xây dựng huyện M’Đrắk phát triển nhanh, toàn diện”.

Hòa Quang Khiêm

Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.