Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Người dân bức xúc vì tình trạng khai thác cát tại xã Đắk Liêng

07:08, 21/08/2017

Tình trạng khai thác cát làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất trong thời gian gần đây đã gây không ít bức xúc cho người dân tại xã Đắk Liêng (huyện Lắk).

Cùng người dân địa phương đi dọc bờ sông Krông Ana đoạn qua xã Đắk Liêng, trong khoảng thời gian từ 9 đến 10 giờ ngày 4-8-2017, phóng viên ghi nhận có đến 2 tàu cỡ lớn đang hút cát giữa lòng sông. Mặc dù đã có quy định, các tàu hút cát phải gắn bảng hiệu, bảng tên của đơn vị nhưng qua quan sát cả 2 tàu này đều không thực hiện. Được biết, đoạn sông khoảng 4 km, có 2 đơn vị được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát và quy định khung giờ khai thác, vận chuyển cát từ 6 giờ và phải kết thúc vào lúc 18 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, không ít trường hợp khai thác ngoài khung giờ quy định, mới đây, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) đã phát hiện 5 tàu đang tiến hành khai thác cát trái phép ngoài khung giờ quy định, không gắn biển số, biển hiệu.

Người dân địa phương cũng cho biết, tình trạng các tàu hút cát hoạt động ngày đêm, ngoài khung giờ quy định diễn ra khá phổ biến. Anh T.V.H (buôn M’liêng 2) bức xúc, hằng ngày cứ tầm 3-4 giờ sáng có đến 4-5 tàu công suất lớn hút cát giữa dòng hoặc dọc theo hai bờ sông, khiến nhiều vị trí đất sản xuất của bà con bị xói lở và thu nhỏ dần, nguy cơ ảnh hưởng đến đất ở của các hộ dân đang hiện hữu. Nhà anh có khoảng 1 ha đất trồng bắp, lúa 2 vụ dọc sông Krông Ana, năm nay do sạt lở nghiêm trọng tại khu vực này nên vợ chồng anh không dám xuống giống vì sợ vốn liếng, công sức đổ hết xuống sông. Tương tự, hộ anh N.V.S có 1 sào đất canh tác lúa, bắp, nhưng không trồng được vì đất sạt lở quá nhiều. Được biết, buôn M’liêng 2 có 86 hộ, 371 nhân khẩu, chủ yếu người dân tộc Tày từ tỉnh Bắc Kạn đến sinh sống, hầu hết đều dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nay đất sản xuất cứ mất dần, nhiều lần người dân kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được xử lý. Trước tình trạng đó, không ít lần người dân địa phương không kiềm chế được bức xúc đã dùng đất đá ném lên các tàu đang hút cát để phản đối.

Tàu hút cát không gắn bảng hiệu trên sông Krông Ana.
Tàu hút cát không gắn bảng hiệu trên sông Krông Ana.

 

Theo báo cáo của UBND xã Đắk Liêng, qua khảo sát có 6 vị trí sạt lở trên địa bàn xã, với chiều dài thực tế hiện nay đã hơn 3.000 mét. Trong đó, chủ yếu đoạn qua buôn M’liêng một số vị trí sạt lở dài 900 mét, rộng từ 16 đến 20 mét, lấn sâu vào khu vực đất sản xuất của các hộ dân bên bờ sông.

 Ngay tại bờ sông đoạn qua xã cũng có  một bãi tập kết cát trái phép từ mấy năm nay. Mặc dù vào năm 2016 UBND xã đã có quyết định xử phạt hành chính 5 triệu đồng, song đến nay bãi cát vẫn tồn tại. Được biết, bãi tập kết này thuộc đất trồng lúa nhưng hộ ông Nguyễn Văn Nhương đã tự ý chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp khi không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Thực trạng một bãi tập kết cát nằm sát bờ sông, ngay ở khu dân cư khiến không ít người dân bức xúc, bất bình. Bởi hằng ngày có hàng chục lượt xe tải nặng ra vào chở cát làm cho tuyến đường liên buôn ngày càng xuống cấp và nguy cơ mất an toàn giao thông.

Năm 2016, trên sông Krông Ana đoạn qua địa bàn huyện Lắk, UBND tỉnh  đã phê duyệt danh sách 3 điểm cấm khai thác cát tại khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, gồm đoạn qua xã Yang Tao sạt lở dài 680 mét, đoạn qua xã Đắk Liêng sạt lở dài 1.200 mét. Các điểm này đã được UBND huyện cắm 6 biển cấm khai thác cát tại các điểm đầu và cuối. Mặc dù đã có bảng cấm ghi rõ “Khu vực cấm khai thác cát lở lòng sông”, không ít tàu hút cát chỉ cách biển cấm chừng vài trăm mét, ngay tại các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với hoạt động khai thác cát trên sông qua địa bàn, huyện Lắk đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan rà soát các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở dọc bờ sông, đánh giá nguyên nhân, đề xuất cắm mốc khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác cát. Đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân được cơ quan thẩm quyền cấp phép khai thác, vận chuyển cát thực hiện nghiêm về khung giờ theo quy định của UBND tỉnh, khi khai thác phải gắn bảng hiệu, bảng tên lên tàu…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.