Người trồng thanh long ở Cư Êbur lo lắng vì bệnh nấm tắc kè
Khoảng 3 năm trở lại đây, người trồng thanh long ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) lo lắng trước bệnh nấm tắc kè gây ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng.
Bà H’Luanh Êban, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thanh long là loại cây dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chính vì vậy nhiều người dân tại địa bàn đã mạnh dạn chặt bỏ cà phê già cỗi để thay thế bằng thanh long. Toàn xã hiện có 129 ha thanh long được người dân các thôn 2, 3 trồng và mở rộng diện tích từ khoảng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh nấm tắc kè xuất hiện và nhanh chóng lan rộng trên cây trồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế của bà con.
Ông Trần Trọng Khánh, Trưởng thôn 2 cho biết, toàn thôn 2 trồng khoảng 60 ha thanh long. Có vườn thanh long đã 9-10 năm tuổi, có những vườn mới cho thu hoạch, tuy nhiên, dịch bệnh hiện rơi vào vào lứa quả tập trung nhất, do đó sản lượng bị ảnh hưởng nặng. Thanh long nhiễm bệnh có xuất hiện các nốt đốm màu vàng, đỏ, nâu trên thân. Riêng phần quả da xù xì, đốm vàng sọc dưa, nứt nẻ khi chín. Mặc dù khi trái chín vẫn mọng nước, thơm, ngọt nhưng do mẫu mã không bắt mắt nên thương lái không thu mua hoặc mua với giá rất thấp. Ở thời điểm hiện tại, thanh long được mua với giá 6.000 đồng/kg, riêng thanh long bị nhiễm nấm tắc kè giá chỉ còn 1.000 đồng/kg. Cây trái nhiễm nấm tắc kè bị người dân vứt la liệt. Nhiều chủ vườn chán chường đến mức bỏ mặc cỏ dại leo lấp lên các trụ thanh long.
Một vườn thanh long có dấu hiệu bị bệnh nấm tắc kè ở Cư Êbur. |
Gia đình ông Mai Sỹ Ánh, ở thôn 2 là một trong những người đầu tiên đưa giống thanh long về trồng thử nghiệm trên đất Cư Êbur. Sau 10 năm trồng và chăm sóc, gia đình ông Ánh đã phát triển diện tích trồng lên 1 ha, cho thu hoạch 2,5 tấn /sào. Là người có kinh nghiệm, luôn chủ động phòng bệnh cho cây nhưng vườn của gia đình ông Ánh cũng đang bị nấm tắc kè “tấn công”. Bên cạnh vườn thanh long của ông Ánh là hơn 5 sào của ông Đoàn Sỹ Ngọc đang bị cỏ dại lấp kín. Những trái thanh long chưa kịp chín đã nứt nẻ, da xù xì và bị côn trùng ăn dở.
Theo lý giải của người trồng thanh long, nấm tắc kè chỉ có thể phòng ngừa chứ không thể trị. Người dân đã chủ động phun xịt thuốc bảo vệ thực vật từ đầu mùa, nhưng vẫn không mang lại hiệu quả. Thêm vào đó, thời tiết mưa nhiều đã tạo môi trường thuận lợi để bệnh phát sinh. Và một nguyên nhân khác nữa là do lâu nay nông dân đã không thực hiện đúng quy trình chăm sóc thanh long. Nguồn thanh long bị nhiễm bệnh không được chôn lấp cẩn thận. Bản chất cây thanh long thân mọng nước, lại rất dễ tái sinh nên muốn tiêu hủy thân cây bị nhiễm bệnh chỉ có cách phơi nắng, hoặc mang cho gia súc ăn. Việc làm này tốn khá nhiều thời gian và công sức nên ít ai tiêu hủy đúng cách, làm bệnh lây lan mạnh.
Theo bà H’Luanh Êban, trước tình trạng dịch bệnh nấm tắc kè ngày càng lan rộng, chính quyền địa phương đã có kiến nghị đến các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền để tập huấn, trang bị kiến thức giúp bà con chủ động phòng ngừa bệnh cho cây trồng nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc