Multimedia Đọc Báo in

Nhận diện du lịch Đắk Lắk (Kỳ 1)

08:27, 23/08/2017

Phải nhận diện đầy đủ “gương mặt” của ngành Du lịch Đắk Lắk như thế nào và đang ở đâu trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung để có hướng đầu tư, phát triển đúng hướng và phù hợp với thực tiễn là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Kỳ 1: Phát triển hay tụt hậu?

Du lịch Đắk Lắk đang phát triển, hay tụt hậu so với các địa phương khác? Nhiều người nói rằng tụt hậu là điều rất thật, bởi hơn 10 năm qua vẫn thế, không có gì bứt phá đáng kể…          

Chia sẻ khó khăn       

Trước khi đặt câu hỏi và đưa ra nhận xét trên tại cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động của ngành Du lịch Đắk Lắk 6 tháng đầu năm 2017 được tổ chức vào cuối tháng 7-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển du lịch Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà còn lưu ý thêm: Đừng nhìn vào mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên các mặt doanh thu, số lượt khách đến đây để cho rằng du lịch Đắk Lắk đang trên đà phát triển, mà phải nhìn thẳng vào vấn đề chất lượng sản phẩm, thu hút đầu tư, xúc tiến và quảng bá thương hiệu, đặc biệt là cung cách vận hành, hoạt động của ngành kinh tế quan trọng này trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để từ đó doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch tìm cách khắc phục, đưa ra giải pháp kịp thời và phù hợp nhằm kích cầu “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh phát triển xứng tầm trong thời gian tới.

Cưỡi voi du ngoạn là loại hình du lịch đặc thù của Đắk Lắk.
Cưỡi voi du ngoạn là loại hình du lịch đặc thù của Đắk Lắk.

 

 

Đừng nhìn vào mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên các mặt doanh thu, số lượt khách để cho rằng du lịch Đắk Lắk đang trên đà phát triển, mà phải nhìn thẳng vào vấn đề chất lượng sản phẩm, thu hút đầu tư, xúc tiến và quảng bá thương hiệu, đặc biệt là cung cách vận hành, hoạt động của ngành kinh tế quan trọng này.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

 

Từ gợi mở trên, đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc kéo dài hoặc mới nảy sinh khiến ngành Du lịch Đắk Lắk tụt hậu. Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2- 9, bà Nguyễn Thị Ẩn phản ánh: Trong nhiều năm qua, các đơn vị làm du lịch trên địa bàn huyện Buôn Đôn (Công ty Du lịch sinh thái Bản Đôn, Trung tâm Dịch vụ - Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường Yok Đôn, Công ty TNHH Du lịch Ánh Dương - Bản Đôn và Công ty TNHH Du lịch văn hóa – sinh thái Thanh Hà…) không dám, hay nói đúng hơn là không chịu đầu tư kết cấu hạ tầng, cũng như xây dựng và thiết kế sản phẩm mới là vì “vướng” vào quy hoạch đất đai. Hầu hết các doanh nghiệp ở đây đều đang thuê đất của dân để làm du lịch, không tự chủ được trong mọi phương án kinh doanh của mình, vì vậy không ai dám nghĩ đến việc mở rộng quy mô, hoạt động du lịch để phục vụ nhu cầu ngày càng khắt khe, đa dạng của du khách.

Chưa phát huy lợi thế, tiềm năng        

Bên cạnh vướng mắc trên thì các doanh nghiệp còn gánh theo hệ lụy từ các công trình thủy điện gây ra - là sông suối khô kiệt, cảnh quan, môi trường bị xâm hại nghiêm trọng khiến sản phẩm du lịch ở vùng đất giàu tiềm năng và thế mạnh này trở nên nghèo nàn hơn. Ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Thanh Hà dẫn chứng thêm về sự tụt hậu của ngành “công nghiệp không khói” ở đây trên góc độ “văn hóa voi” hiện đang trong tình trạng đáng lo ngại và báo động. Đó là đàn voi nhà giảm sút, dẫn đến nhiều sinh hoạt, nghi thức thực hành văn hóa của cộng đồng, chủ sở hữu đàn voi tại chỗ trở nên phai nhạt và mai một. Chưa kể đến kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi nức tiếng, từng hiện diện sinh động trong mỗi gia đình, dòng tộc ở đây hơn một thế kỷ qua đã lần lượt biến mất. Vì thế, khi du khách đến vùng đất này để tìm hiểu, trải nghiệm về vốn “văn hóa voi” thì các đơn vị làm du lịch trên địa bàn không thể đáp ứng được.       

Người dân buôn Tring (thị xã Buôn Hồ) tham gia làm du lịch cộng đồng.
Người dân buôn Tring (thị xã Buôn Hồ) tham gia làm du lịch cộng đồng.

Tương tự, không gian sống và cũng là không gian văn hóa - lịch sử của các dân tộc tại chỗ (trong đó bao gồm văn hóa nhà dài, văn hóa cồng chiêng) cũng ngày càng biến đổi, mai một khiến loại hình du lịch cộng đồng, mà cụ thể là sản phẩm homestay vốn đang được chính quyền khuyến khích, cổ vũ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đoàn Đình Quý, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Ban Mê cho rằng: Không còn những yếu tố quan trọng trên thì du lịch ở đây khó lòng triển khai và thu hút được du khách. Đây thực sự là “bài toán” hóc búa trong việc xây dựng và thiết kế các tour, điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn Đắk Lắk. Nguyên nhân cũng bởi không gian văn hóa truyền thống như nhà dài, bến nước, cồng chiêng, sinh hoạt, lao động sản xuất mang tính chất làng nghề truyền thống… của các cộng đồng người dân tộc tại chỗ bị suy giảm, phá vỡ nghiêm trọng khiến hoạt động du lịch cộng đồng không còn là thế mạnh nữa, nếu không nói là “thụt lùi” so với trước.

                    (Còn nữa)

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.