Multimedia Đọc Báo in

"Nhịp cầu nhà nông" - cầu nối hữu ích cho nông dân

08:24, 20/08/2017

Chương trình “Nhịp cầu nhà nông” do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT, UBND huyện Ea H’leo tổ chức hồi đầu tháng 8 vừa qua tại huyện Ea H’leo là sự kiện bổ ích với nhiều nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã và tổ hợp tác đến từ các huyện Krông Búk, Krông Năng, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ.

Mô hình khảo nghiệm giống ngô mới tại thị xã Buôn Hồ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức.
Mô hình khảo nghiệm giống ngô mới tại thị xã Buôn Hồ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức.

Đây là dịp để các nhà nông gặp gỡ, chia sẻ về tình hình sản xuất nông nghiệp giữa các hộ gia đình, địa phương với nhau. Anh Lê Văn Phúc xã Ea Sol cho biết, vườn tiêu khoảng 1 ha của gia đình đang bị bệnh vàng, xoắn lá, rụng đốt mà chưa biết cách chữa trị như thế nào... Qua chia sẻ mới biết hiện nay nhiều vườn tiêu của các hộ dân ở địa phương khác cũng bị bệnh tương tự.

Giải đáp thắc mắc của nông dân về loại bệnh này, Thạc sĩ Đào Thị Lan Hoa, Phó trưởng Phòng Khoa học hợp tác Quốc tế, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết, có thể các vườn tiêu trên thiếu bo hoặc kẽm, do đó bà con có thể sử dụng phân bón chứa chất trên để bổ sung. Nếu sau 2-3 tháng, bệnh không thuyên giảm thì vườn tiêu đã bị bệnh Virut. Bệnh này chủ yếu lây lan qua hom giống, côn trùng trung gian rầy, rệp và đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, những vườn tiêu bị nhẹ thì tập trung tiêu diệt các nguồn trung gian gây bệnh, còn trường hợp bệnh nặng thì đào bỏ, thu gom để xử lý triệt để.

Với câu hỏi của bà Nông Thị Mến, xã Cư Kpô (Krông Búk) về việc hãm nước tưới để hồ tiêu ra hoa tốt nhất và cách bón phân vi lượng cho hồ tiêu, Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng WASI cho biết, sau khi thu hoạch hồ tiêu, bà con ngưng tưới nước 1 tháng để cây tiêu phân hóa mầm hoa tốt hơn. Cứ 2 năm bón 1 lần từ 25-30 kg phân kẽm, 15-20 kg phân bo/ha hoặc có thể phun phân bón lá 2-3 lần/năm. Riêng sắt, mangan không cần bón bởi đất đỏ bazan rất giàu hai yếu tố này, vì vậy bà con nông dân khi mua phân bón cần cân nhắc, lựa chọn phân bón có công thức phù hợp, tránh bón quá nhiều làm ô nhiễm môi trường. Mỗi loại cây có nhu cầu phân bón khác nhau và lượng phân bón dựa vào các yếu tố như chất đất, giống, điều kiện canh tác... Riêng với cây cà phê giai đoạn kiến thiết cơ bản vào đầu mùa mưa nên bón tỷ lệ đạm;lân;kali tương ứng là 2;2;1; cà phê kinh doanh đầu mùa mưa là 2;1;1, giữa mùa mưa 2;1;2, cuối mùa mưa 2;1;2,5 hoặc 2;1;3.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại phân bón nên, không thể tránh khỏi tình trạng mỗi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón tư vấn cách bón phân khác nhau theo hướng có lợi cho họ, vì vậy bà con nông dân cần cân nhắc, lựa chọn sản phẩm phù hợp. Việc bón phân cần dựa vào chất đất, năng suất cây trồng là giải pháp hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm chi phí đầu tư 15-30% cũng như hạn chế tình trạng ô nhiễm đất, nước, không khí...

Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết, đây là chương trình đầu tiên trong chuỗi chương trình Nhịp cầu nhà nông được tổ chức tại Tây Nguyên. Chương trình đã nhận được hơn 100 câu hỏi và các chuyên gia đã trả lời được 70 câu, số còn lại sẽ được giải đáp trực tiếp cho bà con thông qua số điện thoại. Với sự sẻ chia, trao đổi trực tiếp, dễ hiểu, hy vọng rằng mối liên kết giữa bà con nông dân với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý... ngày càng chặt chẽ hơn.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.