Multimedia Đọc Báo in

Những người đồng hành với các hộ nghèo

08:41, 01/08/2017

Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) thực hiện đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, tạo niềm tin cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, hộ nghèo và các đối tượng chính sách đối với Đảng, Nhà nước.

Hiện nay, toàn hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh có 162 cán bộ nghiệp vụ, quản lý trên 200 nghìn khách hàng, với tổng dư nợ gần 3.900 tỷ đồng. Nhiều phòng giao dịch có quy mô dư nợ lớn, địa bàn hoạt động rộng, nhưng số lượng cán bộ nghiệp vụ ít nên áp lực công việc rất lớn. Chẳng hạn, Phòng Giao dịch NHCSXH Ea H’leo chỉ có 10 cán bộ, nhưng có đến 12 điểm ủy thác cho vay, với tổng dư nợ trên 235 tỷ đồng của 13 chương trình cho vay…

Khác với các ngân hàng thương mại, khách hàng của NHCSXH là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nên công việc của cán bộ tín dụng cũng hoàn toàn mang tính đặc thù. Anh Ngô Trọng Thắng, cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH Ea Kar chia sẻ, cho vay chính sách không chỉ phải bảo đảm các quy trình nghiệp vụ như các tổ chức tín dụng khác mà còn phải sâu sát với địa bàn được phân công phụ trách mới có thể thực hiện được. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ NHCSXH phải tích cực phối hợp tốt với các hội, đoàn thể, ban giảm nghèo tại địa phương nắm tình hình, đề ra kế hoạch nhằm giải ngân kịp thời cho các hộ cần vay vốn. Bên cạnh đó, phải thường xuyên hỗ trợ cho các tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể trong công tác quản lý tổ, thu lãi, thu tiết kiệm và xử lý nợ, không để phát sinh nợ quá hạn. Đối với các khoản vay chính sách, việc thu hồi vốn không thể dùng biện pháp hành chính thông thường mà chủ yếu là tuyên truyền, nâng cao ý thức trả nợ của các hộ vay góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin thăm một gia đình vay vốn phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cư Kuin thăm một gia đình vay vốn phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

Như Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Ea Súp Bùi Văn Trung từng chia sẻ, niềm vui lớn nhất của những cán bộ ngân hàng như anh là việc khách hàng trả được nợ đúng hạn. Bởi đó không đơn thuần chỉ là việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ ngân hàng mà hơn hết, việc khách hàng trả nợ đúng hạn cho thấy họ đã phát huy hiệu quả vốn vay. Do đó, quan hệ giữa cán bộ tín dụng và khách hàng không chỉ đơn thuần là mối quan hệ hình thức khi hoàn thành việc thu nợ mà đó là niềm vui tình người, vì được góp một phần công sức để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn có thể thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống. Chị Hoàng Thị Đẹp (thôn 5A, xã Cư Kbang) là một trong những khách hàng phát huy tốt hiệu quả vốn vay của Chi nhánh NHCSXH Ea Súp. Chị Đẹp tâm sự, với hai bàn tay trắng vào Tây Nguyên khai hoang, không vốn đầu tư, không kiến thức sản xuất, nếu không có những cán bộ tín dụng NHCSXH giúp đỡ, không biết bao giờ gia đình chị mới thoát được đói nghèo.

Từ 3 chương trình, đến nay, NHCSXH đã thực hiện gần 20 chương trình tín dụng và nhiều chương trình, dự án do địa phương, các tổ chức xã hội ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Với trách nhiệm được giao, mỗi cán bộ NHCSXH đã cố gắng không mệt mỏi, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, nhận được sự tin yêu, đồng tình và giúp đỡ của nhân dân. Quan trọng hơn là đã phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.