Multimedia Đọc Báo in

Thôn xa mừng đón điện về

09:12, 30/08/2017

Nằm cách trung tâm xã hơn 20 km, người dân thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) lần đầu tiên mới thấy được ánh  sáng điện. Thôn có 250 hộ, 1.114 khẩu, chủ yếu là đồng  bào Dao, Mông, Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào xã sinh sống từ năm 2003, mãi đến năm 2011, thôn Bình Lợi chính thức được thành lập.

Với 53% là hộ nghèo, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn, điều kiện địa lý, địa hình không thuận lợi, đường đến trung tâm xã, huyện xa xôi, lại gập ghềnh khó đi, chỉ cần một trận mưa lớn là thôn có thể bị cô lập với bên ngoài… Vì thế, có thể hiểu được niềm vui như vỡ òa của người dân thôn Bình Lợi trong ngày 23-8 khi thôn được hòa lưới điện quốc gia. Ai cũng háo hức chờ giây phút được tự tay bật các công tắc trong nhà mình để tận mắt nhìn ngắm ánh sáng của đèn điện.

Được khởi công từ tháng 12-2016, đây là dự án được Công ty Điện lực Đắk Lắk triển khai thực hiện với kinh phí trên 15 tỷ đồng nhằm góp phần bảo đảm tiêu chí số 4 về điện nông thôn tại xã Cư M’lan. Công trình bao gồm các hạng mục: 11 km đường dây hạ áp, gần 22 km đường dây trung áp, 2 trạm biếp áp 160kVA, 2 trạm biến áp 100kVA. Dự án đã hoàn thành toàn bộ các công đoạn lắp đặt công tơ, kéo đường dây đến tận nhà dân, đóng điện và đưa vào vận hành... Anh Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc Điện lực Ea Súp cho hay, Bình Lợi là thôn xa nhất của xã Cư M’lan, giao thông đi lại cách trở, công trình thi công lại gặp phải nhiều đợt mưa bão, nhiều hôm xe không vào được, anh em phải lội bộ khuân vác, vận chuyển vật tư, thiết bị điện đến điểm tập kết để bảo đảm tiến độ thi công, ai cũng mong sớm đưa ánh sáng điện về với bà con.

Công nhân ngành Điện lực thực hiện thao tác đóng điện về thôn Bình Lợi.
Công nhân ngành Điện lực thực hiện thao tác đóng điện về thôn Bình Lợi.

Điện lưới quốc gia về thôn, hẳn nhiên ai cũng vui mừng, người khấm khá thì mua sắm ti vi, tủ lạnh, các thiết bị điện cần thiết khác để sử dụng trong nhà; ai ấp ủ kế hoạch hay dự định đầu tư vào sản xuất bấy lâu nay lại càng có cơ hội thực hiện. Chị Bàn Mùi Pham (dân tộc Dao, 46 tuổi) cho hay, không chỉ để thắp sáng, từ lâu, chị đã mơ ước có điện để phục vụ sản xuất. Với 2 ha trồng cà phê và tiêu, mỗi năm gia đình chị phải chi hết hơn 20 triệu đồng mua dầu tưới nước, giờ  có điện rồi chị mừng lắm, kế hoạch sắp tới của chị là đầu tư mắc điện 3 pha, mua mô-tơ về tưới, chắc chắn chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều.

Trưởng thôn Lý Toàn Chuống cho hay, trước đây do không có điện, nhiều người dân phải sử dụng bình ắc quy hoặc mua tấm pin năng lượng mặt trời về sử dụng thắp sáng nhưng nguồn điện rất yếu, không thể bật nổi chiếc ti-vi hay cắm được nồi cơm điện. Điện về, tạo tiền đề cho bà con có điều kiện phát triển kinh tế, mở mang kiến thức... Đất đai vùng này vốn màu mỡ, nhưng bằng sức người chưa thể nâng cao được giá trị sản xuất, giờ có điện, bà con sẽ từng bước đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị  thay thế sức người nên hiệu quả lao động sẽ tăng cao, các chủ trương chính sách cuả Đảng và Nhà nước từ nay cũng dễ dàng đến với bà con hơn.

Mong ước bấy lâu giờ đã thành hiện thực, người dân thôn Bình Lợi càng tin tưởng hơn vào cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà Đảng, Nhà nước  đã và đang mang đến cho họ.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.