Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư Êbur chú trọng phát triển cây ăn trái

09:30, 08/08/2017

Những năm gần đây, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đã tập trung phát triển các loại cây ăn trái phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như thanh long, na, bơ… Đây được xem là hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia đình ông Trần Thanh Toàn ở thôn 2, là một trong những người đầu tiên đưa thanh long về trồng ở Cư Êbur. Ông Toàn cho biết, ban đầu ông chỉ trồng thử nghiệm thanh long xen canh cà phê với số lượng ít. Sau vài năm, nhận thấy loại cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình ông đã quyết định phá bỏ 6 sào cà phê già cỗi để xây trụ bê tông trồng thanh long. Hiện tại, với gần 700 trụ thanh long đang cho thu hoạch, gia đình ông có nguồn thu gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Cũng như nhiều gia đình khác, trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hường ở thôn 2 chọn cây cà phê để phát triển kinh tế nhưng tốn nhiều công chăm sóc, tích cực đầu tư mà giá cả lại bấp bênh. Năm 2013, chị Hường đã mạnh dạn trồng xen 400 cây na vào 3 ha cà phê để tạo thêm nguồn thu cho gia đình, vừa tiết kiệm nguồn vốn đầu tư lại hạn chế được cỏ dại. Nhờ biết cách chăm sóc nên cả 2 loại cây đều phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. Đặc biệt, quả na khi chín có độ dai và ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ. Với giá bán ổn định từ 10.000-20.000 đồng/ kg tùy theo na lớn nhỏ, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị có thêm khoảng 100 triệu đồng.

Gia đình ông Trần Thanh Toàn đang thu hoạch thanh long.
Gia đình ông Trần Thanh Toàn đang thu hoạch thanh long.

Chị H’Minh Ênuôl, cán bộ nông nghiệp xã cho biết, không chỉ riêng gia đình ông Toàn hay chị Hường mà nhiều hộ dân ở địa phương cũng có thu nhập khá cao, vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn trái. Đây trở thành hướng đi mới giúp bộ mặt của xã có nhiều khởi sắc. Xã Cư Êbur hiện là địa phương có diện tích cây ăn trái nhiều nhất trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Toàn xã có gần 200 ha diện tích cây ăn trái, trong đó thanh long là cây chủ lực, chiếm 129 ha.

Chị H’Minh cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ dân về quy trình kỹ thuật, công tác chăm sóc để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, phát triển địa phương thành vùng chuyên canh cây ăn trái, giúp người dân tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ hàng hóa tập trung. Cùng với đó, xã sẽ khuyến khích thành lập hợp tác xã thu mua sản phẩm để người dân yên tâm phát triển, tránh tình trạng “được mùa mất giá” như nhiều nơi đang mắc phải.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.