Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

07:55, 07/08/2017

Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên bước đường lập thân, lập nghiệp.

Lớn lên trong nghèo khó, anh Nông Văn Việt (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) luôn ấp ủ mơ ước làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Được Đoàn xã hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng cùng với số tiền dành dụm, anh đầu tư trồng tiêu, cà phê và nuôi cá nước ngọt. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình hay và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trang trại của gia đình anh ngày càng mở rộng với hơn 1.000 trụ tiêu kinh doanh, 7 sào cà phê, 700 m2 ao cá… cho doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 2 lao động thường xuyên và 150 lao động thời vụ từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Cán bộ, ĐVTN tham quan hệ thống tưới tiết kiệm nước của gia đình anh Nguyễn Đức Phước.
Cán bộ, ĐVTN tham quan hệ thống tưới tiết kiệm nước của gia đình anh Nguyễn Đức Phước.

Cuối tháng 9-2016, Hợp tác xã (HTX) thanh niên Ea Tân (huyện Krông Năng) chính thức ra mắt với 5 ngành nghề chính là mua bán vật tư nông nghiệp, nông sản, trái cây; sản xuất, cung cấp cây giống, thu mua cây dược liệu; thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; xây dựng các công trình dân dụng – thủy lợi; cung cấp các dịch vụ vệ sinh, môi trường. Đây là HTX thanh niên đầu tiên của tỉnh nhằm định hướng thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Anh Nguyễn Đức Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: “Với xuất phát điểm là câu lạc bộ làm kinh tế giỏi (CLB), thành viên là thanh niên nông thôn, vốn ít, chưa có kinh nghiệm quản lý kinh tế, những ngày đầu đi vào hoạt động, HTX gặp không ít khó khăn. Để khắc phục điều này, HTX đã mua các vật tư nông nghiệp với số lượng lớn, giá cả thấp hơn thị trường để cung ứng cho các thành viên; đồng thời liên kết với các công ty cung cấp sản phẩm nông nghiệp đến tận tay người tiêu dùng, nhằm tăng thu nhập cho người trực tiếp sản xuất.  Từ CLB với 12 thanh niên, hiện nay HTX đã có 26 thành viên tham gia với vốn điều lệ và vốn huy động đạt 650 triệu đồng”.

Nhiệm kỳ 2012-2017, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 146.506 ĐVTN (vượt 83,% KH), dạy nghề 18.300 ĐVTN (vượt 7% KH) và giải quyết việc làm cho 21.174 ĐVTN (vượt 41% KH).

Năm 2013, biết Đoàn xã tổ chức lớp dạy nghề trồng nấm cho thanh niên, chị Lương Thị Đà (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) theo học và vay mượn vốn để làm trang trại. Trải qua nhiều lần thất bại, đến nay, chị đã có được 2 cơ sở với quy mô hơn 15.000 bao giống nấm ươm. Chị Đà chia sẻ: “Nghề trồng nấm là một nghề mới và dễ làm bởi mức đầu tư ban đầu thấp, nhanh có thu nhập, dễ thu hồi vốn. Hơn nữa thị trường ổn định, thu hút được nhiều lao động ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trong lúc nông nhàn, nghề trồng nấm đã giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định cho gia đình”.

Có thể khẳng định, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp chính là phong trào lớn trong việc tạo đà, giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp. Hằng năm, Tỉnh Đoàn chỉ đạo các Đoàn cơ sở chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên, từ đó chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tại các xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn ĐVTN vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chỉ đạo các cấp bộ Đoàn huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua các tổ vay vốn, góp vốn, góp giống. Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn, tọa đàm thanh niên khởi nghiệp, tổ chức Đoàn còn tạo điều kiện cho ĐVTN trao đổi kinh nghiệm khởi sự doanh nghiệp, quản lý và điều hành doanh nghiệp…, từ đó giúp họ tự tin để lập thân, khởi nghiệp.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.