Xây dựng nông thôn mới ở Pơng Drang (Krông Búk): Khi quyền làm chủ của người dân được phát huy
Những năm gần đây, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) đã triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS), tạo sự đồng thuận cao trong phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thôn 8A là một trong những điển hình ở Pơng Drang về thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn. Hiện có gần 100% tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa. Ông Lưu Đức Thắng, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn 8A cho biết, để có được kết quả đó, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, thôn đã phát huy tối đa nội lực, sự đồng thuận, chung sức của người dân. Trong quá trình thực hiện các công trình giao thông nông thôn, những công việc như nhận, quản lý xi măng, cát sỏi, thu tiền đóng góp trong dân, chấm công lao động và giám sát quá trình thực hiện… đều được thôn cử chọn những người có uy tín đại diện cho nhân dân để giao việc; nhân dân tự làm và tự giám sát. Với cách làm đó, các tuyến đường hoàn thành xong đều đảm bảo chất lượng, xứng đáng với công sức, tiền của nhân dân đóng góp.
Một trong những tuyến đường được bê tông hóa sạch đẹp tại thôn 8A, xã Pơng Drang. |
Đối với thôn 9A, việc thực hiện QCDCCS thể hiện rõ nhất là trước khi triển khai bất kể công trình, phần việc nào của thôn cũng đều được đưa ra bàn, lấy ý kiến và vận động nhân dân theo phương châm “Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân hưởng lợi”. Nhờ đó, người dân trong thôn đã nâng cao ý thức trách nhiệm, nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Đơn cử là mới đây, người dân đã tự nguyện đóng góp 600 nghìn đồng/hộ (thôn 9A có 200 hộ dân) để xây dựng hội trường thôn rộng trên 90 m2. Ông Nguyễn Văn Hữu, người dân thôn 9A chia sẻ: “Khi ban tự quản thôn tuyên truyền, vận động về chủ trương làm hội trường thôn, người dân chúng tôi đều hưởng ứng nhiệt tình. Trước khi triển khai, người dân đều được tham gia bàn bạc, thống nhất các khoản thu - chi và cách thức triển khai xây dựng. Chính nhờ cách làm dân chủ đó, ngoài khoản đóng góp chung theo sự thống nhất của bà con trong thôn, gia đình tôi còn tự nguyện phá bỏ 20 cây cà phê, hiến tặng 50 m2 đất vườn nhà để mở rộng khuôn viên hội trường thôn, lấy nơi cho bà con đến hội họp, trẻ em có chỗ vui chơi…”.
Trong công tác bình xét hộ nghèo, xã Pơng Drang cũng đã chủ động phát huy dân chủ từ cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân. Bà H’Pin Mlô, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Pơng Drang cho biết, với mục tiêu là làm sao để người dân đồng thuận, bình xét đúng đối tượng, Đảng bộ xã đã đổi mới cách làm, chỉ đạo các thôn, buôn thành lập tổ điều tra đến từng hộ, phân công một đồng chí đảng ủy viên phụ trách và trực tiếp dự họp bình xét, nghe ý kiến phản ánh của người dân để báo cáo với Đảng ủy xã. Kết quả bình xét hộ nghèo, cận nghèo được công khai tới người dân trong các buổi họp thôn, trên loa truyền thanh. Vì vậy, mọi khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị của nhân dân đều được giải quyết kịp thời, kết quả bình xét được nhân dân đồng thuận cao.
Theo đánh giá của bà H’Pin Mlô, nhờ thực hiện tốt QCDCCS, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân được thắt chặt hơn, góp phần quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Các chương trình, kế hoạch hoạt động của địa phương đều được nhân dân đồng thuận, đánh giá cao, đặc biệt là trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Minh chứng rõ nhất là việc huy động sức dân xây dựng các công trình trọng điểm, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, trường học...
Đến nay, xã đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới; diện mạo nông thôn ở xã có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 21 triệu đồng, số hộ nghèo giảm 3,3%, còn 12,2%... |
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc