Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp: Cần có một chính sách lâu dài
07:44, 11/09/2017
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mới thành lập, doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN).
Từ những việc làm thiết thực của ngành Thuế
Mới đây nhất, ngành Thuế đã triển khai chương trình “Đồng hành cùng DNKN”. Chương trình hướng đến mục tiêu cung cấp và hỗ trợ kịp thời các thông tin pháp lý, giải đáp liên quan đến chính sách, thủ tục về thuế ban đầu, các dịch vụ hỗ trợ liên quan cho DN mới thành lập; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh, bảo đảm các hộ kinh doanh nắm được các lợi ích của mình khi chuyển đổi lên DN. Thông qua chương trình này, cơ quan thuế tiến hành thu thập thông tin các vướng mắc liên quan đến chính sách, thủ tục về thuế của các DN mới thành lập, từ đó có kế hoạch hỗ trợ DN một cách thiết thực, trong đó ngành đã phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư cung cấp tài liệu liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC) thuế đến DNKN. Theo đại diện Cục Thuế tỉnh, các tài liệu hỗ trợ DNKN được xây dựng chi tiết, từ cách đăng ký thuế; khai, nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN, thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài; khai thuế qua mạng; tạo, sử dụng hóa đơn… đến thông tin về các đơn vị được phép in, bán hóa đơn giá trị gia tăng và các đầu mối hỗ trợ pháp lý. Do vậy, ngay khi người dân đến đăng ký thành lập DN tại Sở Kế hoạch – Đầu tư là có thể nắm bắt được cơ bản những THHC thuế. Theo Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở kế hoạch - Đầu tư) Trần Văn Thuận, khi người dân đến Sở đăng ký để thành lập DN hoặc hoàn tất các thủ tục đều được cấp phát tài liệu hướng dẫn theo mẫu đã được Cục Thuế tỉnh cung cấp. Vì vậy các DN sẽ rất thuận lợi và dễ dàng tiếp cận các thông tin hỗ trợ để hoàn tất thủ tục ban đầu một cách chính xác, nhanh chóng và tiết kiệm nhất. Ông Lê Mạnh Tiến, chủ hộ kinh doanh cửa hàng điện tử viễn thông ở huyện Krông Năng đang làm thủ tục để chuyển lên DN cho biết, quy trình hoàn tất các thủ tục để thành lập DN, được tiếp cận các thông tin hỗ trợ, tài liệu hướng dẫn từ Sở kế hoạch - Đầu tư và Cục Thuế tỉnh làm ông rất yên tâm.
Cán bộ ngành Thuế tư vấn về hóa đơn cho một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Đến hỗ trợ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Một trong những đối tượng DNKN tiềm năng nhất hiện nay là các hộ kinh doanh cá thể. Đây là nhóm đối tượng người nộp thuế có số lượng lớn nhưng số thuế đóng góp vào tổng số thu ngân sách còn thấp (dưới 3%). Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển và ngày càng minh bạch, một trong những biện pháp là vận động, khuyến khích hộ kinh doanh lên DN. Tuy nhiên, hiện nay các hộ kinh doanh cá thể đang rất e ngại chuyển đổi lên DN do những quy định phức tạp về sổ sách, pháp lý. Chủ hộ kinh doanh Đinh Thị Thu Hồng (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) cho rằng, việc chuyển đổi lên DN là xu thế tất yếu. Thế nhưng để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể như bà chuyển đổi lên DN, ngành Thuế cần có những hỗ trợ mang tính thực tiễn, “cầm tay chỉ việc”. Chẳng hạn, ít nhất sau 2 đến 3 năm khi chuyển đổi, cán bộ thuế phải hướng dẫn lập sổ sách tài chính, báo cáo thuế... để DN có thể làm quen với môi trường kinh doanh cao hơn. Cùng với đó, ngành Thuế cũng phải cho thấy những ưu đãi, ưu tiên khi hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN. Bởi theo lý thuyết, hộ kinh doanh lên DN được miễn phí, giảm thuế… nhưng thực tế lại chưa có gì.
Với thực tế trên, để bảo đảm mục tiêu tỉnh có 10 nghìn DN hoạt động vào năm 2020, ngành Thuế cần có thêm nhiều hỗ trợ đối với DNKN, nhất là hộ kinh doanh cá thể để họ yên tâm và mạnh dạn chuyển đổi lên DN. Đặc biệt, cùng với việc làm rõ quyền, lợi ích của việc chuyển đổi, ngành Thuế cũng phải có sự hỗ trợ mang tính lâu dài để DN mới thành lập hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc