Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Đrắk nỗ lực hoàn thành tiêu chí điện nông thôn

17:41, 17/09/2017

Những năm qua, với phương châm “điện đi trước một bước”, hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện M’Đrắk đã được đầu tư nâng cấp tương đối đồng bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bảo đảm chuẩn nông thôn mới về điện là vấn đề không dễ dàng, bởi thực tế với đặc điểm địa hình phức tạp, nhiều đồi núi phân cách trong khi dân cư sinh sống rải rác, không tập trung, huyện M’Đrắk gặp nhiều khó khăn trong việc cấp điện vì suất đầu tư quá cao.

Nguồn vốn đầu tư cho điện lực còn hạn chế, trong khi lĩnh vực về điện khó thực hiện lồng ghép các nguồn vốn cá nhân, vốn doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, hầu hết các xã đạt được tiêu chí về điện là nhờ chương trình điện thôn, buôn từ lưới điện quốc gia và Chương trình đầu tư xóa bán tổng, nâng dung lượng trạm biến áp hằng năm của ngành điện. Những địa phương còn lại đang đối mặt với những khó khăn trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo, vận hành lưới điện.

Điện lực M’Drắk tăng cường công tác kiểm tra an toàn lưới điện.
Điện lực M’Drắk tăng cường công tác kiểm tra an toàn lưới điện.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện M’Đrắk, hiện nay tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia còn thấp (dưới 90%), nhiều nơi người dân còn tự kéo đường dây điện, sử dụng trụ điện chưa bảo đảm an toàn (nhất là tại các xã Cư Prao, Cư San, Ea Trang, Cư Króa…). Ở xã Ea Lai, theo ông Trương Công Sanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, mặc dù đã có lưới điện nhưng việc hạ thế từ trạm biến áp đến các hộ dân rất khó bởi chi phí quá cao so với điều kiện của người dân. Hay tại xã Ea H’mlay, dù đã có điện lưới quốc gia, 10/11 thôn có đường hạ thế, số hộ sử dụng điện đạt 95,2% nhưng một số mạng lưới cung cấp điện đã xuống cấp, chưa đúng theo quy hoạch, chất lượng nguồn điện chưa được bảo đảm. Vì vậy, chỉ tiêu tỷ lệ hộ sử dụng thường xuyên, an toàn từ các nguồn của xã chỉ mới đạt 97,17%, trong khi tiêu chuẩn nông thôn mới phải đạt 98%. Xã Krông Á cũng đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu điện sinh hoạt, sản xuất; nguồn điện yếu, đường dây xuống cấp, không bảo đảm an toàn và hao tổn điện năng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và phát triển kinh tế của nhân dân, nhất là tại các thôn 5, 6, 7.

Huyện M’Đrắk hiện có 12 xã, 1 thị trấn với 17.547 hộ dân và 75.091 nhân khẩu có nhu cầu sử dụng điện. Toàn huyện có 2 đơn vị cung cấp điện lưới quốc gia là Điện lực M’Đrắk và Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ điện - nước huyện M’Đrắk vận hành, quản lý. Tính đến cuối năm 2016, huyện M’Đrắk có gần 99,5% thôn, buôn có điện, 96,5% số hộ dân được sử dụng điện, lưới điện nông thôn. Năm 2017, tổng số hộ có điện là 15.118 hộ, hệ thống điện cơ bản đạt chuẩn, trong đó, số hộ sử dụng điện liên tục và an toàn là 15.118 hộ, đạt gần 95% trên tổng số hộ sử dụng điện. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tính đến cuối tháng 6-2017, toàn huyện có 4 xã đạt tiêu chí về điện là Ea Pil, Krông Jing, Cư M’ta và xã Ea Riêng. Theo kế hoạch năm 2017, huyện M’Đrắk phấn đấu có thêm 7 xã đạt tiêu chí về điện là Ea Mđoal, Ea H’mlay, Krông Á, Cư San, Cư Prao, Cư Kroá và xã Ea Lai, nâng tổng số địa phương đạt tiêu chí về điện lên 11/12 xã.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đã đề nghị UBND tỉnh, huyện và các ngành chức năng tiến hành lắp đặt, hạ thế một số trạm biến áp tại thôn Đắk Phú (xã Cư Prao), thôn Ea Bra (xã Ea Trang), thôn 8 (xã Ea H’Mlay); các thôn 1, 2, 5, 6, 7, 8 (xã Ea Mdoal); thôn 1, 4, 6 (xã Cư Króa); hỗ trợ đầu tư một số cột điện và kéo đường dây điện cho các vùng lõm tại thôn 1, 7, 9, 10 (xã Ea Lai)... Đối với xã điểm Ea Riêng, tiêu chí số 4 về điện tuy đã đạt nhưng để duy trì bền vững lâu dài, huyện cũng đề xuất bố trí đường hạ thế 0,4 KV vào các vùng lõm của thôn 1, 4, 5, 12, 14, 19 của xã nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người dân.

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.