Liên kết bốn nhà - nhìn từ mô hình điểm sản xuất cà phê bền vững
10:14, 05/09/2017
Chương trình, Dự án hỗ trợ phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột do UBND tỉnh ký kết với Công ty CP Vinacafé Biên Hòa và Công ty CP Phân bón Bình Điền nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê thông qua mô hình điểm tại buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã thiết lập nên mô hình liên kết bốn nhà từ vườn cây.
Cùng nông dân tái canh cà phê
Theo biên bản thỏa thuận giữa các bên, Dự án có tổng kinh phí hơn 664 triệu đồng, trong đó Công ty CP Vinacafé Biên Hòa hơn 330 triệu đồng, Công ty CP Phân bón Bình Điền hơn 330 triệu đồng, hỗ trợ thực hiện 11 mô hình tái canh cà phê bền vững trên diện tích 3,35 ha. Trong đó, hộ ông Y Thanh Êban (0,5 ha), Y Lê Wi Niê (0,5 ha) được hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện mô hình với giống cà phê ghép TR4, TR9, phân bón, hệ thống tưới tiết kiệm nước, tập huấn kỹ thuật, phân tích mẫu đất... Còn 8 hộ (1 hộ năm nay chưa triển khai) được hỗ trợ sản xuất theo từng phần: 100% chi phí phân tích mẫu đất, tập huấn kỹ thuật và cây giống cà phê thực sinh TRS1, 50% chi phí phân bón trong năm kiến thiết cơ bản đầu tiên. Song song với đó, Ban quản lý Dự án tổ chức 4 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho nông hộ thực hiện mô hình và các nông dân khác trên địa bàn xã Ea Tu theo nhu cầu và phù hợp với giai đoạn phát triển của cây cà phê.
Đại diện các nhà tài trợ trao cây giống hỗ trợ người dân. |
Đầu tháng 7-2017, dự án đã tổ chức tập huấn quy trình trồng tái canh cà phê và bàn giao cây giống cho các hộ dân tham gia. Ông Y Thanh Êban phấn khởi cho hay, vườn cà phê của gia đình đã được nhổ bỏ từ năm 2015, hiện tại đang luân canh các cây họ đậu, ngô để cải tạo đất. Khi được hỗ trợ 100% chi phí phân tích mẫu đất và được các nhà khoa học hướng dẫn, theo sát quá trình trồng, chăm sóc, bón phân, ông rất kỳ vọng việc tái canh cà phê của gia đình sẽ thành công tốt đẹp.
Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam, cán bộ thực hiện dự án cho biết, qua kết quả phân tích mẫu đất thì đất tái canh của các nông hộ trong Dự án rất chua; hàm lượng lân và kali dễ tiêu biến động từ nghèo đến rất giàu, còn hàm lượng phân hữu cơ khá đến giàu. Do đó, trước khi trồng tái canh, bà con cần cải tạo đất bằng cách bón vôi với lượng lớn 1,5 – 2 tấn vôi/ha bằng cách rải đều vôi và bừa lẫn vào đất trước khi đào hố trồng dặm. Còn phân chuồng hoai mục bón với lượng 10 - 15kg/hố khi trồng mới. Riêng liều lượng phân khoáng bón cho các năm kiến thiết cơ bản dựa vào quy trình kỹ thuật chung và tính chất đất của từng vườn cây.
Quảng bá gắn với trách nhiệm
“Chương trình hỗ trợ phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột” được ký tháng 3-2017 trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Giữa tháng 6-2017 các bên có cuộc gặp gỡ đầu tiên để cụ thể hóa hoạt động của Dự án, đầu tháng 7, Ban quản lý Dự án công bố kết quả phân tích mẫu đất, bàn giao cây giống và tổ chức tập huấn kỹ thuật tái canh dưới sự giám sát của các bên liên quan.
Ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vinacafé Biên Hòa (bìa phải) trao cây giống hỗ trợ người dân. |
Ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vinacafé Biên Hòa cho biết, các hoạt động triển khai Dự án đều được thực hiện bằng văn bản thông qua mạng Internet nên đơn vị luôn nắm được tiến độ, kết quả thực hiện dự án. Vinacafé cùng với Công ty CP Phân bón Bình Điền đã có sự phối hợp từ khâu khảo sát, đánh giá, phân tích mẫu đất và sẽ tiếp tục đi cùng các nhà khoa học để hiểu hơn về cây cà phê, cuộc sống của người dân cũng như tháo gỡ các vướng mắc cho bà con trong quá trình tái canh. Mục đích của dự án là nâng cao chất lượng, giá trị cho cà phê từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, vì vậy trong tương lai Vinacafé sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân trong quá trình thu hoạch, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Để cà phê có chất lượng cao, nông dân nên thu hoạch theo chu kỳ và phân cấp khi thu hoạch bởi những hạt cà phê đầu vụ có chất lượng cao hơn cuối vụ. Về phía Công ty CP Phân bón Bình Điền, ông Nguyễn Văn Duy, cán bộ đại diện tại Đắk Lắk cho biết, đây là mô hình điểm nên đơn vị sẽ phối hợp với các bên để thực hiện mô hình, nếu đạt kết quả tốt sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh.
Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng vùng sản xuất cà phê bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Hy vọng rằng, bốn nhà tiếp tục giữ sự đồng thuận, cùng hợp tác để xây dựng thành công mô hình, góp phần đưa thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột phát triển lên nấc thang mới.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc