Mong ước của người dân nơi "ốc đảo"
Nằm cách trung tâm xã Ea R’bin (huyện Lắk) khoảng 25 km, Tổ tự quản số 3 thuộc buôn Plao Siêng như 1 “ốc đảo” giữa 4 bề núi rừng, sông nước.
Hơn 20 năm nay, cuộc sống của người dân ở Tổ tự quản số 3 gần như tách biệt với bên ngoài bởi con sông Krông Nô, phương tiện đi lại duy nhất là thuyền. Trước đây, người dân qua sông bằng thuyền chèo tay tốn rất nhiều thời gian, sức lực nên hiện nay một số hộ gia đình đã mua động cơ gắn vào thuyền để đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, qua sông bằng thuyền không mấy an toàn bởi thuyền nhỏ chòng chành, dễ lật, nhất là vào mùa nước lớn, nước sông chảy xiết. Vài năm trở lại đây tình trạng sạt lở bờ sông xảy ra liên tục, lòng sông sâu thêm khiến cho việc đi lại của người dân trở nên khó khăn, nguy hiểm hơn, đã có nhiều trường hợp cả người lẫn hàng hóa rơi xuống sông. Đến mùa thu hoạch, giá thuê nhân công bốc vác, thuê xuồng để chở nông sản lại tăng cao. Đã thế nông sản còn bị lái buôn ép giá thấp hơn hẳn so với thị trường.
Thuyền là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân nơi đây. |
Theo ông Trương Văn Tỏ (Tổ trưởng tổ tự quản số 3), hiện cả tổ có 41 hộ dân (171 khẩu), sống chủ yếu bằng nghề nông. Điện lưới chưa có, người dân phải dùng đèn dầu, bình ắc quy để thắp sáng. Nhà nào có điều kiện hơn thì lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, nhưng cũng chỉ có thể dùng vào ngày nắng. Do không có đường, bà con phải đi ghe, thuyền qua bên kia sông thuộc địa phận huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) để mua bán. Mỗi khi ốm đau thì phải vượt sông, rồi đi thêm 10 km đường bộ nữa mới có thể tới được cơ sở y tế, bệnh viện để khám chữa bệnh. Trẻ em ở đây cũng đều phải học “ké” tại các trường của tỉnh bạn. Các em được bố mẹ gửi lại nhà người thân, họ hàng hoặc thuê phòng trọ để đi học. Đơn cử như trường hợp của chị Lưu Thị Tuyết (31 tuổi), dù rất thương con nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không thể sắm nổi chiếc thuyền đi lại, mỗi lần qua sông đều phải đi nhờ thuyền bà con lối xóm nên chị đành phải gửi đứa con gái 5 tuổi ở nhà người quen để đi học mẫu giáo. Ngày nghỉ chị mới tranh thủ ra thăm hoặc đón con về chơi.
Người dân dùng bình ắc quy để thắp sáng. |
Ông Đặng Xuân Kiên, Chủ tịch xã Ea R’bin cho biết: Xã có 3 tổ tự quản với 150 hộ (577 khẩu), trong đó Tổ tự quản 3 nằm ở cuối xã, lại tách biệt bởi con sông nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Hiện UBND xã đã làm tờ trình gửi Phòng Nội vụ và UBND huyện đề xuất cho phép gom 3 tổ tự quản trên thành một thôn hoặc buôn mới, trên cơ sở có địa giới hành chính thì xã mới có thể xin chủ trương đầu tư xây dựng đường sá, kéo điện. Vì vậy, bà con mong sớm được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ để cuộc sống của người dân bớt khó khăn.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc