Sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh thị trường bất ổn
Hội nhập mang đến nhiều cơ hội cạnh tranh cho nông dân trong việc lựa chọn giống, sản phẩm nông nghiệp, nhưng cũng khiến họ lúng túng trước bài toán lựa chọn cây trồng, vật nuôi hiệu quả gắn với thị trường tiêu thụ ổn định.
Thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro
Những năm qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã biết tận dụng lợi thế tự nhiên, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp cây trồng cho năng suất cao. Đặc biệt, có những vườn cây cho năng suất cao đột biến như hồ tiêu 8 tấn/ha, cà phê 7 tấn/ha, sầu riêng 40 tấn/ha, dưa hấu 60 tấn/ha... Tuy nhiên, nông sản làm ra thường xuyên lâm vào tình cảnh được mùa mất giá, đồng thời việc sản xuất còn mang tính tự phát, phong trào khiến cung vượt cầu, giá giảm mạnh. Ông Y Rin Niê, một nông dân ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo cho biết, do gần đây cà phê, hồ tiêu giá cả bấp bênh, gia đình ông đã đầu tư trồng thêm các loại bí xanh, bí đỏ… Đầu vụ, thương lái ở xa gọi điện báo giá rất cao, đến khi thu hoạch, có sản phẩm để xuất bán thì giá lại xuống thấp, không bán được. Chưa hết, tình trạng công ty, doanh nghiệp (DN) quảng cáo rao bán giống, phân bón với rất nhiều chiêu khuyến mãi, nhưng sản phẩm kém chất lượng khiến nhiều diện tích bí đỏ không ra trái xảy ra trong thời gian qua. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, bên cạnh cây công nghiệp dài ngày, hiện nay nhiều loại cây ngắn ngày cũng là những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Đắk Lắk. Tình trạng thương lái hứa mua hàng với giá cao nhưng đến vụ thu hoạch giá lại giảm mạnh là điều có thật. Khi gặp thương lái, DN quảng cáo, rao bán giống, phân bón không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thông qua cơ quan chức năng thì người dân nên báo cho chính quyền địa phương hoặc Phòng NN-PTNT các huyện để tránh tình trạng bị lừa mua những sản phẩm kém chất lượng hoặc có sự ràng buộc với ngành chức năng để giám sát quá trình thực hiện và có căn cứ xử lý khi gặp rủi ro.
Nông dân huyện Cư M’gar tìm hiểu về giống ngô lai NK6410 ở xã Quảng Hiệp. |
Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua một số địa phương trong nước xuất hiện những tiểu thương kinh doanh mặt hàng bất thường như lá điều non, quả tiêu non, lá sắn non... với giá cao khiến nhiều nông dân tìm mọi cách để có các sản phẩm này đem bán. Thế nhưng, ngành Hải quan lại chưa ghi nhận trường hợp nào các mặt hàng này được thông quan. Việc thu hoạch các loại lá, quả non không chỉ khiến cây trồng bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng trong thời gian sau đó mà thị trường rất bấp bênh, khi thương lái ngừng thu mua thì nông dân phải gánh chịu thiệt hại.
Chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm
Một trong những yêu cầu hàng đầu của thị trường là chất lượng sản phẩm. Trong sản xuất nông nghiệp, chất lượng sản phẩm trước hết phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cũng theo ông Hoàng Văn Dự, để xúc tiến, tìm đầu ra cho các loại nông sản, hằng năm Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thường xuyên tổ chức cho các DN Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, giúp các DN có những thương vụ làm ăn lớn đủ để sản xuất từ 2-3 năm. Tuy nhiên, các khách hàng lớn yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, do đó muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả, có đầu ra ổn định lâu dài thì nông dân cần chú trọng chất lượng sản phẩm, đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông sản. Để tháo gỡ khó khăn này, vừa qua Trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối nông sản thực phẩm an toàn đã được thành lập và đi vào hoạt động theo hình thức chợ bán buôn tại Hà Nội. Theo đó, tất cả các sản phẩm nông nghiệp của các tổ chức, DN trên cả nước bảo đảm các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được tham gia trưng bày, giới thiệu, kinh doanh tại Trung tâm và được minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ban quản lý sẽ tổ chức các đoàn tham quan, xúc tiến trong nước cũng như mời gọi các DN quốc tế đến tham quan, hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu về sản phẩm nông nghiệp tại Đắk Lắk. |
Tại địa phương, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều DN, cửa hàng kinh doanh các loại nông sản, thực phẩm sạch có nhu cầu lớn về nguồn hàng như chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, thịt heo an toàn, quà tặng Tây Nguyên... Tại các cửa hàng này thường xuyên bày bán các loại thực phẩm được bảo đảm là an toàn như rau an toàn của HTX nông nghiệp Toàn Thịnh, rau hữu cơ của trang trại HT. Farm, quýt của Công ty TNHH Agritechco, cá sông Sêrêpốk, thịt heo Fukoku… Đây là địa chỉ tiềm năng trong việc thiêu thụ các loại nông sản, rau củ quả, thịt được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn, đặc biệt là rau hữu cơ và các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình VietGAP, GloboGAP. Chỉ có phát triển sản xuất theo hướng này, người nông dân mới dễ dàng liên kết với các DN, nhà thu mua để ký kết bao tiêu sản phẩm một cách ổn định, lâu dài.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc