Vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Đều xuất thân từ các gia đình nghèo nên hai vợ chồng chị Trần Thị Hiệp (thôn 1, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) lập thân bằng 2 bàn tay trắng. Song, nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, họ đã từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Theo lời kể của chị Trần Thị Hiệp, năm 1999 chị lấy chồng là anh Nguyễn Bá Hường, cả hai đều đi làm công nhân cho khu công nghiệp gần nhà. Năm 2009, chị bị tai nạn lao động khi đang cho thép vào máy cán khiến bàn tay phải mất hết các ngón tay, tỷ lệ thương tật đến 41%. Mất sức lao động, chị đành ở nhà chăm sóc con, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương công nhân ít ỏi của chồng (trên 2 triệu đồng/tháng), trong khi gia đình không có đất sản xuất, phát triển chăn nuôi lại không có vốn. Không thể chấp nhận mãi cảnh đói nghèo, năm 2010, anh chị quyết định tìm đến Ngân hàng Chính sách xã hội để vay 20 triệu đồng làm vốn phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu các hộ xung quanh, anh chị đầu tư mua bò về nuôi, với số vốn trên, lúc đó chỉ mua được 1 con bò mẹ đang mang thai hết 15 triệu đồng, số tiền còn lại đầu tư làm chuồng trại. Sau 2 năm, gia đình chị đã có được 3 con bò, nhưng lúc đó giá bò lại giảm, bán được hơn 20 triệu, vừa đủ trả tiền ngân hàng. Không cam chịu thất bại, năm 2015, gia đình chị tiếp tục vay ngân hàng 30 triệu đồng, lần này anh chị tìm hiểu kỹ hơn về thị trường và quyết định đầu tư chăn nuôi dê và heo rừng lai sinh sản. Với số vốn này, gia đình mua được 5 con dê cái và 2 heo nái, thời gian đầu do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên 2 vợ chồng khá lúng túng mỗi khi dê hoặc heo bị bệnh nhưng chỉ sau một thời gian đi tìm hiểu các hộ nuôi trước, chị học thêm nhiều kinh nghiệm nên việc chăm sóc đàn dê và heo nái dễ dàng hơn.
Chị Trần Thị Hiệp đang chăm sóc đàn dê. |
Đến nay, đàn dê của gia đình đã tăng lên 20 con, trong đó có 8 con đang mang thai và được 3 con heo nái. Mỗi năm, đàn dê cho xuất chuồng khoảng 8 con dê thịt, còn đàn heo thì cho xuất 2 lứa heo con (bình quân 8 con) và 7 – 8 con heo thịt. Với bán giá bình quân 1 triệu đồng/cặp heo con, 100 nghìn đồng/kg heo thịt và dê thịt, sau khi trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 50 triệu đồng/năm, điều đáng nói là trong thời kỳ giá heo thịt giảm mạnh nhưng đàn heo của gia đình không bị ảnh hưởng, giá vẫn giữ ổn định.
Từ chỗ nhà ở tạm bợ, gia đình không có vốn để làm ăn nhưng nhờ phát huy nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mà vợ chồng chị Hiệp đã có một cơ ngơi vững chãi, kinh tế ổn định và con cái được học hành tử tế. Hiện chồng chị vẫn đi làm công nhân, công việc chăn nuôi chủ yếu do chị quán xuyến. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc con cái, chị tranh thủ thời gian rảnh đi cắt lá cây cho dê hoặc đưa đàn dê đi ăn. Chị tâm sự, cuộc sống của gia đình chị có được như ngày hôm nay cũng nhờ kênh vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình có vốn để lập nghiệp, phát triển kinh tế hộ. Dự kiến, hết năm 2017, gia đình sẽ trả hết tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội và được xã đưa ra khỏi diện hộ cận nghèo, đồng thời với số vốn tích lũy qua các năm, gia đình tiếp tục đầu tư tăng quy mô chăn nuôi để vươn lên làm giàu.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc