Multimedia Đọc Báo in

An toàn thực phẩm ở chợ: Còn bỏ ngỏ đến bao giờ?

12:59, 18/10/2017

Mặc dù các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều nhưng chợ truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, đặc biệt là vấn đề cung cấp thực phẩm tươi sống, nông sản.

Song vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ trên địa bàn vẫn chưa được quản lý tốt, thậm chí là đang bị bỏ ngỏ.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 148 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1 và 15 chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3 (gồm chợ tổng hợp, chợ dân sinh, chợ nông thôn, chợ tạm), với gần 10.000 hộ kinh doanh. Các mặt hàng được bày bán trong chợ rất đa dạng, phần lớn là thủy hải sản, rau củ quả tươi sống, thực phẩm khô. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh ATTP, nguồn gốc hàng hóa, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải… ở chợ vẫn chưa được bảo đảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe cho cả người bán lẫn người tiêu dùng (NTD). Đầu tiên phải kể đến các nhóm hàng thực phẩm, nông sản tươi sống và đã qua chế biến như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau, củ, quả..., phần lớn được tiểu thương gom từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc thương lái bỏ mối nên rất khó xác định nguồn gốc. Tại nhiều chợ trên địa bàn, nhất là chợ nông thôn như chợ Trung tâm huyện Krông Bông, Ea Đar (huyện Ea Kar), Trung Hòa (huyện Cư Kuin)…, các loại thịt gia súc, gia cầm, cá, hải sản được tiểu thương bày ra trên mặt bàn hoặc lót trên tấm bìa cứng tạm bợ ngay trên nền đất, cạnh rãnh nước để bán; thực phẩm chín, sống được bày bán chung, không có tủ kính bảo quản, mặc ruồi nhặng bâu vào. Người bán thì không có giấy chứng nhận kiểm tra sức khỏe định kỳ, chưa được tập huấn kiến thức bảo đảm vệ sinh ATTP…

Thịt heo sống, chín lẫn lộn được bày bán tại chợ Ea Tul (huyện Cư M’gar) .
Thịt heo sống, chín lẫn lộn được bày bán tại chợ Ea Tul (huyện Cư M’gar) .

Vấn đề nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm cũng có nhiều điều đáng bàn. Tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, không khó để tìm thấy nhiều loại gia vị, măng khô, lạp xưởng, bánh kẹo, trái cây… được đựng trong các bao tải hoặc chai lớn không nhãn mác, địa chỉ nơi sản xuất. Qua tìm hiểu được biết, nhiều loại trong số sản phẩm trên có nguồn gốc từ Trung Quốc, được tiểu thương mua về theo từng kiện hàng (thường là bao tải lớn) rồi đóng thành các thùng hoặc túi ni lông nhỏ để bán cho khách. Theo Ban quản lý chợ, đơn vị cũng đã nhắc nhở, tuyên truyền về việc bảo đảm vệ sinh ATTP, vận động hộ kinh doanh chấp hành các nội quy như bày bán hàng hóa đúng nơi quy định, không vứt phế phẩm xuống nền đất… trên hệ thống loa đến các tiểu thương, còn việc quản lý chất lượng đầu vào, hàng hóa bày bán ở chợ thì quả thật rất khó.

Trên thực tế, từ nhiều năm nay, công tác quản lý hàng hóa ở chợ có khá nhiều cơ quan chức năng tham gia như: Ban quản lý chợ, quản lý thị trường, chính quyền địa phương, chi cục kiểm dịch động, thực vật… nhưng vấn đề ATTP vẫn bị bỏ ngỏ. Việc kiểm tra, kiểm soát phần lớn chỉ được chú trọng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở chế biến… còn tại chợ dân sinh dường như bằng không. Xuyên suốt các đợt kiểm tra ATTP trong năm của các ngành chức năng của tỉnh, hiếm thấy đợt nào được triển khai tại chợ.

Trước thực tế trên, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận với các loại thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, có nguồn  gốc xuất xứ rõ ràng, từ năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 665/QĐ-UBND ngày 28-3-2014 về việc phê duyệt Dự án xây dựng "Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh ATTP" giai đoạn 2014-2020. Theo kế hoạch đề ra, trước mắt, chọn chợ Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) làm mô hình thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng ra các địa bàn như thị xã Buôn Hồ,  huyện Ea Kar, Cư M'gar; phấn đấu năm 2020, có 100% chợ trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh đạt chợ bảo đảm vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có chợ nào được triển khai. Theo Sở Công thương, do hiện nay chợ Tân An đã xuống cấp ở một số hạng mục nên trước mắt có thể đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa nâng cấp các hạng mục bảo đảm các tiêu chí đề ra, đồng thời xem xét lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để xây dựng chợ trong thời gian sớm nhất.

ATTP đang là mối quan tâm lớn của NTD, do đó, thiết nghĩ cần phải phát huy hơn nữa vai trò của ngành chức năng liên quan trong việc kiểm tra, kiểm dịch, bảo đảm nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán ra tại chợ. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chợ phải kèm với bố trí gian hàng, khu bày bán thực phẩm riêng biệt theo từng ngành hàng phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận với các loại thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, có nguồn  gốc xuất xứ rõ ràng.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc