Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Niềm tin hàng Việt - Nhìn từ huyện Ea Súp
Ea Súp là huyện biên giới, xa các trung tâm mua sắm, chợ đầu mối phân phối hàng hóa của tỉnh, giao thông đi lại còn khó khăn nên nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn chưa được phong phú và đa dạng; đặc biệt là hàng Việt có chất lượng, nhiều mẫu mã lại càng hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ea Súp cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Vịêt Nam” đã góp phần thay đổi đáng kể nhận thức của người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn; hàng Trung Quốc giá rẻ không còn được “chuộng” như trước, ngược lại, hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất khiến họ yên tâm sử dụng và ủng hộ. Tuy nhiên, hàng Việt có thương hiệu, chất lượng bảo đảm bày bán trên địa bàn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, khoảng trên 20% nên chưa đáp ứng được nhu cầu của NTD.
Anh Nguyễn Xuân Huy (chủ cửa hàng điện gia dụng tại xã Cư M’lan) cho hay, hàng Việt bán ra ở cửa hàng “chạy” hơn hẳn hàng của các nước Thái Lan, Indonexia… nhưng quanh quẩn thì cũng chỉ có sản phẩm của các DN: Hòa Phát, Tiên Tiến, Hiệp Hưng… Cửa hàng chưa có được nhiều mẫu mã để bày bán vì chưa gắn kết được nhiều với các nhà phân phối Việt. Còn chị Nguyễn Thị Phương Lan (xã Ea Rốk) cho hay, trước đây, trong mua sắm chị bị chi phối nhiều bởi giá cả sản phẩm mà không mấy quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ. Sau nhiều thông tin trên báo, đài về hàng hóa trôi nổi, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, chị quay về dùng hàng Việt vì thấy hợp với túi tiền, chất lượng được bảo đảm.
Người dân xã Cư M’lan chọn mua đồ điện gia dụng sản xuất trong nước tại một cửa hàng trên địa bàn huyện. |
Trên thực tế, huyện Ea Súp vẫn chưa có nhiều đại lý, nhà phân phối độc quyền cho các sản phẩm Việt nên việc tiếp cận với hàng nội của người dân ở đây chủ yếu thông qua các cửa hàng tạp hóa bán lẻ, chợ dân sinh. Chính do mạng lưới phân phối không được phủ rộng khắp để có thể cung ứng sản phẩm nội, cho nên mỗi khi có dịp hàng Việt được đưa về bày bán tập trung thì người dân rất hồ hởi chào đón. Còn nhớ, tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, dù thời tiết không mấy thuận lợi, mưa nhiều nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo bà con ở đây. Diễn ra chỉ có 5 ngày nhưng đêm nào phiên chợ cũng đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, mua sắm. Theo chị Nguyễn Thị Lan (xã Ea Lê), người dân ở đây vẫn ít có cơ hội tiếp xúc với hàng Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; đặc biệt, không phải muốn mua hàng gì cũng có, nhất là thiết bị máy móc, đồ gia dụng thiết yếu, khi cần phải vượt hơn 80 km đến TP. Buôn Ma Thuột mới có thể mua được.
Nói về sự tin dùng hàng Việt chất lượng của người dân vùng sâu, ông Bùi Quang Hòa, Phó giám đốc Co.opMart Buôn Ma Thuột cho biết, khi mang hàng về Ea Súp, chính ông cũng không ngờ sản phẩm trong nước được NTD hồ hởi đón nhận đến vậy. Dù ban đầu không kỳ vọng nhiều về doanh số bán ra, nhưng chỉ 3 ngày diễn ra phiên chợ, nhiều sản phẩm có kèm theo chương trình khuyến mãi hấp dẫn của các nhà sản xuất Việt đã “cháy hàng”.
Rõ ràng, hàng Việt đang là ưu tiên lựa chọn đầu tiên của người dân vùng sâu như Ea Súp, nhưng điều đáng nói người tiêu dùng ở đây vẫn thiếu thông tin về hàng Việt và thiếu hàng Việt có chất lượng. Trong khi đó, thị trường Ea Súp vẫn xuất hiện hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt, hàng hóa trôi nổi, giá rẻ, lưu thông bất hợp pháp làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín hàng Việt và người dân chịu nhiều thiệt thòi. Chị Bàn Thị Huệ (dân tộc Thổ, thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan) cho hay, việc tiếp cận hàng Việt đối với bà con vẫn còn nhiều khó khăn, chưa kể, trong vấn nạn hàng giả, nhái, kém chất lượng đang hoành hoành thì việc phân biệt đâu là hàng Việt bảo đảm chất lượng với hàng trôi nổi gắn mác hàng Việt lại càng khó khăn hơn.
Ea Súp cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, sức mua còn nhiều tiềm năng nhưng thị trường đang bị bỏ ngỏ. Đây là một thiếu sót lớn của các DN nội. Do đó, cần sớm có chiến lược xây dựng, phát triển thị trường để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm Việt ở khu vực này nói riêng và các vùng sâu, vùng xa nói chung. Trong đó cần đề cao vai trò của tiểu thương tại chợ nông thôn, các quầy tạp hóa nhỏ lẻ, bởi chính họ là những “đại sứ” tích cực nhất trong việc kết nối đưa hàng Việt đến tay NTD.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc