Multimedia Đọc Báo in

Giảm lãi suất–Người vay đã được hưởng lợi?

08:32, 03/10/2017

Thời gian gần đây, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trên thực tế người đi vay vẫn còn chịu nhiều áp lực từ lãi suất.

Đa phần biểu lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng từ sau ngày 10-7 (thời điểm NHNN chỉ đạo về việc giảm 0,5 điểm phần trăm đối với trần lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại ở các lĩnh vực ưu tiên và giảm  0,25 điểm phần trăm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm) đều giảm rõ nét, phổ biến từ khoảng 0,1- 0,5 điểm phần trăm so với trước đây. Đến thời điểm này, biểu lãi suất của hầu hết các ngân hàng đều ở mức lãi suất thấp nhất từ 6% đến 6,5%/năm. Tuy nhiên, ngoài Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), tất cả các ngân hàng khác đều chỉ áp dụng mức lãi suất này đối với các khoản vay ngắn hạn. Cùng với đó, lãi suất này cũng chỉ áp dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp - nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Còn các lĩnh vực khác và ở kỳ trung, dài hạn, lãi suất cho vay vẫn phổ biến ở mức 7%-12%/năm.

Khách hàng giao dịch  tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội  Chi nhánh Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội Chi nhánh Đắk Lắk.

Một vấn đề khác cho thấy các công bố giảm lãi suất cho vay chưa có tác động tích cực là đối với các khoản vay cũ, các ngân hàng vẫn áp dụng lãi suất cao như trước khi có chỉ đạo của NHNN. Khách hàng vay tín chấp tại một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho biết, mặc dù trong hợp đồng vay vốn có điều khoản điều chỉnh lãi suất theo diễn biến lãi suất của thị trường, tuy nhiên, đến nay đã gần 3 tháng có công bố giảm lãi suất cho vay của ngân hàng này, nhưng khoản vay của khách hàng vẫn không được điều chỉnh giảm. Mang thắc mắc này hỏi phía ngân hàng, khách hàng được trả lời là do chưa đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Như vậy, khách hàng sẽ vẫn phải chịu thiệt thòi khi bị áp lãi suất khá cao và không biết khi nào mới đến “kỳ điều chỉnh lãi suất” của ngân hàng. Trong khi đó, trước đây có những thời điểm khi lãi suất thị trường tăng, ngay lập tức ngân hàng đã tự động điều chỉnh tăng lãi suất của khách hàng. Trong khi đó, nếu khách hàng không chấp nhận lãi suất cao, thực hiện tất toán khoản vay cũ sẽ bị phía ngân hàng phạt ít nhất 0,2% tổng số tiền vay do trả nợ trước hạn. Như vậy, rõ ràng ngân hàng đang đẩy cái khó về phía khách hàng.

Bên cạnh những yếu tố trên, điều kiện vay vốn cũng đang khiến khách hàng khó tiếp cận vốn vay. Ngay cả những lĩnh vực ưu tiên, để được hưởng lãi suất ưu đãi, người đi vay phải đáp ứng hàng loạt điều kiện đi kèm như có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lịch sử quan hệ tín dụng tốt… Với những điều kiện khắt khe đó, hầu hết khách hàng muốn tiếp cận vốn vay ưu đãi đều khó đáp ứng được.

Giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh là đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng một khi người đi vay vẫn chưa được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất thì những tín hiệu giảm lãi suất vừa qua chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.