Huyện M'Đrắk: Ưu tiên nông sản chính để tạo đà tái cơ cấu ngành
Xác định Nông nghiệp là ngành kinh tế chính của địa phương, huyện M’Đrắk đã và đang lựa chọn những nông sản chủ đạo để tạo sức bật tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, nhưng sản xuất nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn của huyện tiếp tục phát triển, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện và nâng lên, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị - xã hội của huyện. Hiện tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm 75% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong những năm qua, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng thâm canh, tăng vụ gắn với sản xuất hàng hoá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống cũ (gần 40% diện tích lúa, trên 95% diện tích ngô sử dụng giống mới). Nhờ đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung cây mía, ngô, mỳ, tiêu, cà phê… bảo đảm cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ; tạo tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất năm 2015 đạt 72,16 triệu đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2010.
Mô hình trồng nhãn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Ea Pil. |
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 14-10-2016 của Tỉnh ủy về Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện M’Đrắk đặt mục tiêu đưa năng suất các sản phẩm chủ lực trong vùng sản xuất tập trung lên từ 1,2 – 1,5 lần so với hiện nay. Theo đó, địa phương sẽ ưu tiên các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực. Cụ thể, huyện sẽ tập trung phát triển cây mía tại các xã Ea Pil, Cư Prao, Krông Á, Krông Jing… với các giống mía mới, cho năng suất cao trên tổng diện tích khoảng 7.000 ha, sản lượng bình quân 525.000 tấn/năm; cây cà phê, hồ tiêu tại xã Ea Lai, Ea Riêng, Ea H’mlay, Ea M’doal với tổng diện tích hồ tiêu ổn định khoảng 2.000 ha (sản lượng 3.000 tấn/năm), hồ tiêu 600 ha (2.100 tấn/năm). Trong đó, huyện chú trọng xây dựng mô hình cà phê xen canh hồ tiêu, cây ăn quả các loại trên những diện tích đất phù hợp để gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Việc phát triển các mô hình được thực hiện song song với chương trình tái canh cà phê và sản xuất cà phê bền vững nhằm từng bước chuyển đổi sang giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị sản phẩm đạt chứng nhận quốc tế 4C, UTZ, Rain Forest…
Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn hiện có 17.472 con (tăng 358 con so với cùng kỳ năm 2016), heo 43.640 con (tăng 330 con), gia cầm 393.846 con (tăng 20.361 con). Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng bán công nghiệp, chú trọng đầu tư về giống để phát triển đàn heo hướng nạc, bò lai lấy thịt gắn với phát triển diện tích trồng cỏ lai tại các vùng chăn nuôi trọng điểm để bảo đảm chế độ dinh dưỡng, an toàn dịch bệnh, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, từng bước tổ chức lại chăn nuôi theo hướng liên kết, luôn có sự gắn kết giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp thông qua các tổ chức nông dân và quản lý theo chuỗi sản phẩm kín từ chuồng nuôi đến thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, để tạo nên bước đột phá trong sản xuất và tiêu thụ, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, huyện sẽ tập trung kiện toàn các tổ hợp tác, HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời thành lập các tổ hợp tác, HTX chuyên ngành để tổ chức lại sản xuất, làm đầu mối đại diện nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Đồng thời, phát triển mạnh mô hình kinh tế trang trại, gia trại sản xuất nông sản với quy mô hàng hóa, tạo nguồn hàng chất lượng, ổn định với khối lượng lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đến năm 2020, huyện M’Đrắk phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt trên 4.240 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm 11-12%, tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp 7,4%; nông, lâm nghiệp 64 – 65% cơ cấu kinh tế; duy trì ổn định sản lượng lương thực trên 96.000 tấn/năm; 25 – 30% số xã hoàn thành toàn bộ các tiêu chí nông thôn mới. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc