Multimedia Đọc Báo in

Khó thu hút vốn đầu tư toàn xã hội

Nhiều hệ lụy do chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản

09:30, 09/10/2017

Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã nỗ lực trong việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), nhưng tốc độ giải ngân vẫn chưa được như mong muốn, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế-xã hội.

Tốc độ giải ngân chậm

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư XDCB của tỉnh hiện được giao trên 2.870 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2016 kéo dài sang năm 2017 ngân sách tỉnh thực hiện gần 352 tỷ đồng, gồm nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương gần 38 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách Trung ương trên 28,4 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ gần 287 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9, các chủ đầu tư đã làm thủ tục thanh toán, giải ngân được 27,25% kế hoạch vốn. Trong đó, ngân sách địa phương giải ngân được 24,36%, ngân sách Trung ương 12,01%, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân được 34,12%. Đối với nguồn vốn kế hoạch năm 2017, tốc độ giải ngân có khả quan hơn. Cụ thể, tổng vốn XDCB thuộc ngân sách Nhà nước được giao gần 2.518 tỷ đồng. Trong đó, các nguồn thuộc ngân sách tỉnh quản lý gần 1.873 tỷ đồng, đã giải ngân được trên 930,5 tỷ đồng (53,74% kế hoạch), gồm nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương đã giải ngân trên 542,5 tỷ đồng (59,28% kế hoạch); nguồn vốn Trung ương hỗ trợ giải ngân gần 241 tỷ đồng (62,28% kế hoạch); nguồn vốn ODA (32% kế hoạch), vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia giải ngân gần 16 tỷ đồng (70,52% kế hoạch). Tuy nhiên, hiện có đến 99 dự án của 44 đơn vị chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân dưới 30% kế hoạch, với tổng vốn lên đến trên 362 tỷ đồng (ngân sách Trung ương trên 36,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 326,2 tỷ đồng). Trong đó các đơn vị có vốn đầu tư XDCB lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp như Sở Giáo dục và Đào tạo giải ngân 3,18 tỷ đồng/34,7 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án thoát nước TP. Buôn Ma Thuột 0/20 tỷ đồng; Ban Quản lý các dự án TP. Buôn Ma Thuột 1,37 tỷ đồng/47,05 tỷ đồng; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh 57 triệu đồng/15,8 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Buôn Ma Thuột 4,26 tỷ đồng/38,2 tỷ đồng Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện Krông Bông 2,87 tỷ đồng/25,3 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Lắk 556 triệu đồng/13,7 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Ea H’leo 403 triệu đồng/17,4 tỷ đồng…

Nhiều tuyến đường nội thị trấn Krông Kmar đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều tuyến đường nội thị trấn Krông Kmar đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân thấp. Trong đó, ngoài việc các chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình triền khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định nên chưa thực hiện giải ngân (các dự án thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia); triển khai thủ tục chậm, đến nay đã vào mùa mưa nên khối lượng thi công đạt thấp, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chậm… thì nguyên nhân đáng ngại nhất là do các chủ đầu tư chưa quan tâm đến công tác giải ngân (99 dự án trên thuộc diện này). Ngoài ra, còn có tình trạng chủ đầu tư chưa tích cực giải ngân, chậm lập và hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục thanh toán các dự án đã được bố trí vốn, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng không thực hiện quyết toán.

Nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội

Việc chậm giải ngân không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, mà còn tác động xấu đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là việc thu hút đầu tư toàn xã hội. Bởi không ít vốn đầu tư XDCB hiện nay mang tính chất “vốn đối ứng”, và một khi nguồn “vốn mồi” này không có sẽ không thể giải ngân được phần đầu tư còn lại. Điều này thể hiện rõ nhất ở nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) và vốn trái phiếu Chính phủ. Đơn cử như Dự án hỗ trợ phát triển biên giới với tổng mức đầu tư 580,2 tỷ đồng đã được khởi động từ năm 2014, nhưng gần đây mới được ký hiệp định đầu tư do nhiều nguyên nhân, trong đó có một phần nguyên nhân từ vốn đối ứng của địa phương chưa bảo đảm. Hay như mới đây, tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng 9 tháng năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã cảnh báo việc bị cắt nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (trên 700 tỷ đồng) của Dự án hồ Ea Tam nếu các cấp, ngành không thực hiện đúng tiến độ, và giải ngân dự án.  Hơn thế, nhìn vào danh mục dự án, việc chậm giải ngân đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh. Chẳng hạn, danh mục dự án thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có xây dựng nhà ăn bếp ký túc xá, nhà đa năng, nhà hiệu bộ Trường THPT Dân tộc nội trú Krông Búk; xây dựng lớp học tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (M’Đrắk); Dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn nhất (giai đoạn II)… Tại Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Buôn Ma Thuột gồm các dự án như mở rộng, nâng cấp bãi chôn chất thải rắn TP. Buôn Ma Thuột; hệ thống chiếu sáng đường vành đai phía tây TP. Buôn Ma Thuột. Hay như tại Ban Quản lý các dự án huyện Krông Bông là các dự án mang tính cấp thiết như Dự án quy hoạch, sắp xếp ổn định dân di cư tự do thôn Cư Dhiăt, xã Cư Ðrăm; Trường Mẫu giáo Hòa Phong; đường nội thị trấn Krông Kmar…

Trước thực tế trên, UBND tỉnh đã và đang tăng cường chỉ đạo, đôn đốc giải ngân, thậm chí sẽ điều chuyển vốn các công trình giải ngân chậm sang cho các công trình khác có nhu cầu giải ngân để thực hiện giải ngân vốn năm 2017. Quyết tâm là thế, nhưng thời gian còn lại của năm 2017 không còn nhiều đang là thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.