Multimedia Đọc Báo in

Mùa măng rừng

16:24, 27/10/2017

Từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch là mùa mưa ở Tây Nguyên, măng rừng mọc lên nhiều. Đó cũng là thời điểm người dân miền núi lên rừng hái măng kiếm thêm thu nhập.

Qua lời giới thiệu của anh bạn đang công tác tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Nam Ka, huyện Lắk), chúng tôi gặp anh Y Wil Brung ở buôn Rai, người chuyên đi lấy măng rừng từ nhiều năm nay.

Đưa bàn tay có ngón cái bị sưng tấy, anh chia sẻ:  “Mấy bữa trước đi rừng trượt té, suýt gãy tay, đau quá nên cả gùi măng đầy rơi vung vãi không nhặt lại được, đành về không. Cuối mùa, măng được giá nhưng phải chờ hết đau mới đi lại”.

Anh kể, trước đây rừng le bạt ngàn, măng mọc đầy xung quanh buôn, chỉ cần đi một lúc là kiếm đầy gùi. Nay rừng lùi sâu hơn, phải đi xa, lội suối đến những khu rừng có nhiều cây le mới lấy được măng. Người lấy măng thường đi theo từng nhóm, từ 2 đến 6 người; khi vào rừng, mỗi người đi theo lối mòn riêng, gặp tai nạn hay muốn gọi nhau thì đưa hai bàn tay trước miệng hú thật to; khi măng đầy gùi thì về lại địa điểm ban đầu để xuống núi.

Trước đây, chẳng mấy ai mua măng, bà con hái về luộc tươi để ăn, dùng không hết thì đem phơi khô để dành ăn dần. Bây giờ, măng lấy về được thương lái vào tận nơi thu mua với giá 10.000 – 15.000 đồng/kg, món “lộc rừng” này đã góp phần cải thiện thu nhập của nhiều người. Như gia đình Y Wil chỉ có vài sào đất, mùa khô anh đi làm phụ hồ và hái đót, mùa mưa đến thì mang gùi đi lấy măng. Mỗi ngày anh lấy được 1 bao tải loại 15 kg, bán được 200.000 đồng, tiền kiếm được cũng đủ trang trải cuộc sống trong gia đình. “Tiền mua áo quần vào năm học mới vừa rồi cho 3 đứa nhỏ cũng nhờ lấy măng mà có đấy”, Y Wil khoe.

Hai phụ nữ M'nông tại xã Yang Tao, huyện Lắk, sau một ngày đi lấy măng rừng.
Niềm vui của những phụ nữ M'nông ở xã Yang Tao (huyện Lắk) sau một ngày đi lấy măng rừng.

Muốn lấy măng phải tìm tới những bụi le khỏe mạnh, lá to, ở khu vực mát mẻ, gần suối. Gặp được những cây măng mọc ngoài rìa thì dễ lấy, những búp nằm sâu giữa bụi le phải chui người vào hoặc dùng rựa mới lấy được. Búp còn thấp thì lấy sát tận gốc, măng cao rồi thì lấy tay rung, chỗ đọt măng còn non sẽ gãy xuống (loại này gọi là măng rung).

Đi lấy măng là công việc thời vụ, tuy đơn giản nhưng cũng nhiều vất vả, rủi ro. Chuyện ong đốt, vắt, muỗi rừng cắn hay gặp mưa giữa rừng là bình thường. Còn nói về tai nạn nghề nghiệp thì Y Wang Brung – em trai của Y Wil rất thấm thía, bởi anh đã 2 lần gặp rủi ro khi đi lấy măng. Lần đầu cách đây mấy năm, anh bị ong đốt nằm xỉu giữa rừng, mấy người đi cùng phải dìu về nhà. Lần sau vào đầu mùa măng năm nay, do đường trơn, gùi nặng nên anh trượt té, bị cây nhọn chọc thấu tận xương, từ đó, anh quyết định không bao giờ đi lấy măng nữa.

Chiều xuống, bên Quốc lộ 27, đoạn dưới chân đèo Đắk Nuê, huyện Lắk có một nhóm người đang bóc vỏ măng và cho vào bao tải. Hỏi thăm thì được biết đó là mấy đôi vợ chồng, anh chị em từ xã Yang Tao đi hàng chục cây số vào rừng le thuộc vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka để lấy măng. Nhìn những đôi tay bị lông và mét măng làm cho chai sần, bầm đen cũng hiểu được phần nào nỗi nhọc nhằn của công việc lấy măng. Một chị trong nhóm chia sẻ, bình thường đưa măng về nhà mới bóc, bữa được nhiều bóc đến đau rát cả tay; hôm nay được ít nên tranh thủ bóc luôn mới đưa về. Măng bây giờ ít hơn, người ta đi lấy nhiều nên vất vả hơn, nhưng vẫn cố gắng làm kiếm thêm tiền đong gạo.

Có một điều rất đáng trân trọng ở những người làm nghề đi lấy măng rừng là họ rất có ý thức trong việc giữ rừng, giúp tái tạo nguồn lợi từ măng. Loại cây rừng này có sức sống mạnh mẽ, cứ sau mỗi đợt mưa, măng mọc lên dày đặc, nhưng người đi lấy măng luôn có một nguyên tắc là không chặt cây le già để dễ dàng lấy măng và khi lấy luôn trừ lại một ít búp để le sinh sôi, phát triển.

Trong các loại măng rừng, măng le được ưa chuộng nhất vì ruột không rỗng, không đắng lại giòn và khi ăn để lại vị ngọt. Khi măng rừng ngày càng ít đi, món măng không chỉ là thức ăn khoái khẩu trong các gia đình mà dần trở thành đặc sản, là món quà Tây Nguyên được yêu thích với những ai có dịp đến đây.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.