Người Mông trồng bo bo
Cây bo bo một thời là nỗi ám ảnh của nhiều người trải qua những năm tháng đói kém. Tưởng như đã bị lãng quên, nay cây bo bo lại trở thành loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con người Mông ở xã Đắk Nuê, huyện Lắk.
Người Mông tại xã Đắk Nuê chủ yếu ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào từ nhiều năm nay, tập trung tại buôn Đắk Sar nằm ven những quả đồi bên đèo Đắk Nuê. Đời sống của bà con ở đây chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng sắn, ngô và một ít lúa nước. Tuy nhiên, khu vực này có địa hình đồi núi dốc, việc canh tác gặp nhiều khó khăn, chưa kể, cây trồng thiếu nước tưới nên năng suất bấp bênh. Do đó, bà con đã đưa vào trồng thêm cây bo bo (cao lương) nhằm cải thiện thu nhập.
Năm 2011, thấy bà con người Mông ở huyện Krông Bông trồng bo bo có hiệu quả, anh Sùng A Giàng đã mua ít hạt giống về trồng thử trên khu vực đất mới khai hoang. Khi đưa vào trồng tại đây cho thấy loại cây này phù hợp với đất đồi dốc, chịu hạn tốt, năng suất đạt 2 tạ/sào, sau khi bán, anh để lại một ít để làm giống cho vụ sau. Hiện anh Giàng có 1 ha đất đồi trồng cây bo bo, sản lượng hằng năm đạt gần 2 tấn, với giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, gia đình anh thu nhập gần 15 triệu đồng mỗi vụ. Anh cho biết, trồng cây bo bo cũng giống như trồng các loại lúa rẫy, nghĩa là cứ đầu tháng Năm, khi bước vào mùa mưa thì đem hạt giống lên rẫy trỉa, cây phát triển nhờ nước mưa, không phải bón phân, 6 tháng thì cho thu hoạch. Tuy không phải đầu tư nhiều, nhưng vào mùa gieo hạt, làm cỏ hay thu hoạch, anh phải đổi công và mượn thêm bà con trong buôn làm giúp, mỗi đợt vài chục người làm trong 2 ngày mới hoàn thành.
Anh Sùng A Giàng kiểm tra vườn bo bo của gia đình. |
Còn với anh Mã A Kiều, nhà không có nhiều đất nên anh đã mượn đất rừng trồng đang giai đoạn kiến thiết để trồng xen cây bo bo. Khi vào mùa mưa anh đi tìm vạt đồi nào có đất tốt người ta mới trồng keo để gieo hạt bo bo, trồng được 2 vụ liên tục đến khi cây keo khép tán thì trả đất và đi tìm khu vực khác trồng tiếp. Mỗi vụ, anh Kiều trồng từ 2 – 3 ha, sản lượng thu được khoảng 5 tấn, sau khi thu hoạch được thương lái vào bao tiêu, thu nhập từ loại cây này giúp gia đình anh cải thiện đáng kể thu nhập. Anh Vàng A Páo, Phó buôn Đắk Sar cho biết, nhận thấy trồng bo bo có hiệu quả, nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích trồng, đỉnh điểm là năm 2015 có khoảng 60 - 70% số hộ trong buôn trồng bo bo với tổng diện tích hơn 100 ha. Năm nay, cây này còn khoảng 50 ha do vụ trước mưa nhiều, cây bo bo bị gãy đổ, giảm năng suất nên nhiều hộ giảm diện tích trồng. Ưu điểm của loại cây này là có thể thích nghi với đất đồi dốc, cằn cỗi, thiếu nước tưới và không phải đầu tư nhiều chi phí chăm sóc, phân bón. Bên cạnh đó, bo bo có thể trồng xen với lúa rẫy và một số cây ngắn ngày khác như ngô, đậu, trong đó, bà con thu hoạch lúa, ngô trước rồi mới đến bo bo.
Không chỉ bán cho thương lái, hạt bo bo được bà con ở đây giữ lại một ít để làm lương thực, khi nấu cơm thì độn thêm một ít để cơm có vị bùi, ngọt, dễ ăn. Bên cạnh đó, những lúc nông nhàn, bà con người Mông ở đây còn xay bột bo bo và trộn thêm ít bột nếp làm bánh dẻo, bánh khảo để ăn trong gia đình. Các loại bánh làm từ bột bo bo có ưu điểm là dẻo, thơm, dai hơn bánh làm hoàn toàn bằng bột nếp. Đặc biệt, dịp cuối năm, đồng bào Mông ở Đắk Nuê còn dùng hạt bo bo để nấu rượu uống trong những ngày Tết.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc