Multimedia Đọc Báo in

Nông dân khốn khổ vì phân bón nghi kém chất lượng

11:06, 17/10/2017

Khi mua phải phân bón kém chất lượng, nông dân luôn là người bị thua thiệt, bởi vườn cây bị tổn hại, nhà sản xuất giải thích vòng vo, thiếu trách nhiệm khiến việc khiếu nại kéo dài, mất thời gian…

Thời gian vừa qua, liên tiếp nhiều vụ việc vườn hồ tiêu của nông dân bị cháy, rụng lá và chết hàng loạt nghi ngờ do mua phải phân bón kém chất lượng đang dấy lên nhiều lo ngại cho người tiêu dùng (NTD) trên địa bàn.

Ngày 23-9-2016, anh Nguyễn Văn Thỉnh (xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) có ký hợp đồng mua 2 tấn phân bón vi lượng hiệu Đồng Lộc của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư nông nghiệp và phân bón An Thịnh (Lô 4 đường D3 Khu Công nghiệp Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông) với giá 7,6 triệu đồng. Anh đã dùng 1,2 tấn để bón cho gần 800 gốc tiêu. Sau khoảng 10 ngày, anh Thỉnh phát hiện vườn cây bị vàng lá, rụng trái và chết, anh đã liên hệ trực tiếp cho đại lý và Công ty An Thịnh để kiểm tra, xem xét. Sau khi nhận thông báo, đại diện công ty đã cử nhân viên về làm việc và dùng thuốc xử lý nhưng không mang lại hiệu quả.

Vụ việc được các bên liên quan lập biên bản, lấy mẫu đất, rễ cây tiêu và phân bón đưa đi kiểm nghiệm. Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thì cả 4 mẫu kiểm nghiệm đối với các lô phân bón có các ngày sản xuất: 26-3, 15-8, 20-8 và 24-8-2016 (hạn sử dụng 3 năm) mà phía công ty An Thịnh đã bán cho gia đình anh là không đúng như tiêu chuẩn công bố ghi trên bao bì.

Còn kết quả phân tích đất, rễ cây của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì “triệu chứng cây hồ tiêu bị vàng lá và chết do tác nhân chính là nấm Fusairum SPP và Rhizoctonia gây hại”. Nhưng theo anh Thỉnh, điều làm anh bức xúc nhất là biên bản lấy mẫu và thông tin trong bản kiểm nghiệm của Viện này có nhiều vấn đề khuất tất, cụ thể, ngày Viện tiếp nhận mẫu là 10-11-2016, nhưng ngày nhân viên của công ty lấy mẫu lại là 11-11-2016, như vậy, phải chăng có nghĩa là mẫu mà Viện xét nghiệm không phải là mẫu do Công ty phân bón lấy tại vườn anh Thỉnh?!

     Vườn tiêu của anh  Ma Văn Phú bị thiệt hại sau khi bón phân của Công ty Humic Quảng Ngãi.
Vườn tiêu của anh Ma Văn Phú bị thiệt hại sau khi bón phân của Công ty Humic Quảng Ngãi.

Sau khi xảy ra sự việc trên, gia đình anh có làm đơn khiếu nại lên các ngành chức năng liên quan và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh yêu cầu công ty hỗ trợ 450 triệu đồng thiệt hại, nhưng phía công ty cho rằng chưa thể khẳng định nguyên nhân tiêu chết là do phân bón của họ cung cấp nên chỉ hỗ trợ bồi thường 100 triệu đồng. Theo anh, số tiền này không thỏa đáng so với thiệt hại mà gia đình anh đã phải gánh chịu.

Một trường hợp khác như báo Đắk Lắk đã nhiều lần thông tin, khoảng tháng 4-2017 anh Ma Văn Phú (thị xã Buôn Hồ) có mua mua 5 tấn phân bón vi sinh (giá 5,5 triệu/ tấn) của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi để sử dụng khiến 1.000 trụ tiêu bị rụng và cháy lá. Anh Phú kể: “Ban đầu, phía Công ty cho rằng do tôi bón phân sai quy trình nên mới xảy ra hiện tượng trên, nhưng khi chính tay người của họ lấy phân và bón cho 100 trụ tiêu khác thì chưa đến 10 giờ sau, hiện tượng cháy lá vẫn xảy ra ở tầm thấp cách gốc từ 0,4 đến 0,5m. Nhưng mãi cho đến thời điểm này, phía công ty thì cứ cho rằng phân bón của họ đạt chất lượng nên chỉ  đưa ra mức hỗ trợ bồi thường cho tôi  rất thấp so với thiệt hại thực tế của vườn cây”.

Với cả hai vụ việc trên, hiện các chủ vườn vẫn đang tiếp tục khiếu nại những mong làm sáng tỏ vấn đề để mình khỏi thiệt thòi. Anh Thỉnh rầu rĩ: “chi phí mang đi thử nghiệm đã tốn kém lại mất nhiều thời gian nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng!”

Được biết, việc vi phạm ở lĩnh vực này diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã kiểm tra và phát hiện 37 vụ vi phạm, phạt hành chính trên 205 triệu đồng. Ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng khuyến cáo, phân bón là mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, thị trường hiện nay khá đa dạng, người dân nên tìm mua những thương hiệu uy tín, ở những nơi đáng tin cậy. Ông Chí cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, Chi cục vẫn sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất kinh doanh mặt hàng này.

Kết quả kiểm nghiệm lần 2 đối với phân bón của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi

Đoàn kiểm tra liên ngành Thường trực 389 của tỉnh cho biết, đã có kết quả kiểm nghiệm lần 2 về 2 chỉ tiêu chất hữu cơ và đạm đối với mẫu phân bón phức hợp hữu cơ vi sinh của Công ty Cổ phần phân hữu cơ Humic Quảng Ngãi sau sự cố cây hồ tiêu bị rụng và gây cháy lá của hộ anh Ma Văn Phú ở thị xã Buôn Hồ.

Theo kết quả kiểm nghiệm lần này của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP. Hồ Chí Minh thì chỉ tiêu chất hữu cơ đạt 28,7± 0,4% (trên bao bì ghi 15%, tỷ lệ đạt 194%), đạm 3,47% ± 0,18%  (bao bì là 4%, tỷ lệ đạt 91,25%). Căn cứ vào Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20-9-2017 về quản lý phân bón của Chính phủ (quy định hàm lượng đạm ≥ 90%, chất hữu cơ ≥ 93%) thì phân bón hữu cơ mà công ty Humic Quãng Ngãi đã bán cho anh Phú là chấp nhận được so với hàm lượng bắt buộc.

Theo Trung tâm, kết quả phân tích lần 2 nằm trong sai số cho phép và vẫn bảo lưu kết quả phân tích lần 1.

Trước đó, như Báo Đắk Lắk đã đưa tin, sau khi sự cố xảy ra, Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực đã tiến hành lấy mẫu để gửi đi kiểm nghiệm phân tích chất lượng. Kết quả, chất hữu cơ đạt 28,5% (trên bao bì ghi 15%, cao hơn so với công bố trên bao bì là 13,5%), đạm 3,47% (bao bì là 4%, thấp hơn so với công bố trên bao bì là 0,53%).

Về việc kiểm nghiệm xác định chất gây cháy, được biết hiện tại Trung tâm dịch vụ phân tích tại TP. Hồ Chí Minh chưa tiến hành được do thiếu một số điều kiện.

                                Đ. Lan

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.