Multimedia Đọc Báo in

Nông dân vẫn khó tiếp cận vốn vay tái canh cà phê

13:34, 23/10/2017

Đắk Lắk là địa phương được chọn làm điểm triển khai thực hiện tái canh cây cà phê theo Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT). Tuy nhiên, hiện nay nông dân vẫn còn gặp khó khăn trong khâu tiếp cận vốn đầu tư tái canh do nhiều nguyên nhân…

Khó tiếp cận vốn

Theo số liệu của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có gần 204 nghìn ha cà phê, trong đó có gần 28 nghìn ha đã già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém cần tái canh. Kế hoạch đến năm 2020, diện tích cà phê cần tái canh là 32.335 ha, từ năm 2011-2016, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện được 18.520 ha, trong đó, năm 2016 tái canh được 3.640/5.715 ha, đạt 63,7% kế hoạch của năm. Tính đến hết tháng 8-2017, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh Đắk Lắk mới chỉ cam kết cho 70 khách hàng vay vốn để tái canh 940 ha cà phê với tổng dư nợ là 37 tỷ đồng .

Ông  Y Loan Bdap không đủ  điều kiện  vay vốn  tái canh  do trồng  xen tiêu vào vườn cà phê.
Ông Y Loan Bdap không đủ điều kiện vay vốn tái canh do trồng xen tiêu vào vườn cà phê.

Cà phê là cây trồng chủ lực của huyện Cư Kuin với 12.034 ha, chiếm 62,55% diện tích cây trồng lâu năm, nhu cầu tái canh vườn cây chiếm khoảng 30% tổng diện tích với 4.017 ha. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn huyện thực hiện tái canh được 733,35 ha cà phê, đạt gần 109% kế hoạch năm 2017 (673 ha).

Tuy nhiên, hầu như quá trình tái canh là do người dân tự chủ động về vốn. Ngân hàng Agribank - Chi nhánh huyện Cư Kuin chỉ mới giải ngân cho 4 hộ vay vốn tái canh với diện tích 4 ha, tổng số tiền là 206 triệu đồng. Lũy kế từ năm 2015 đến nay, Ngân hàng Agribank - Chi nhánh huyện Cư Kuin mới chỉ giải ngân vốn vay tái canh cà phê được 357 triệu đồng. Trong khi đó, tổng diện tích có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê năm 2017 là 220,51 ha (diện tích đăng ký vay vốn tái canh là 73,51 ha và diện tích đăng ký vay vốn cải tạo là 147 ha).

Ông Y Loan Bdap ở buôn Khít, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin cho hay, gia đình ông đang tiến hành tái canh hơn 1 ha cà phê và rất cần nguồn vốn để đầu tư. Tuy nhiên khi đăng ký vay vốn thì không đạt điều kiện bởi gia đình ông trồng xen tiêu trong vườn cà phê tái canh.

Cũng theo phản ánh của nhiều hộ dân ở xã Ea Bhôk và các xã lân cận, hiện nay đa số nông dân có nhu cầu tái canh cà phê đều gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay do nhiều nguyên nhân mà trước hết là do thủ tục vay vốn rườm rà như: vốn vay cấp thành nhiều đợt, phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… liên quan đến đến từng công việc trong từng giai đoạn thực hiện trồng tái canh.

Ngoài ra, các nông hộ vay vốn còn phải có giấy xác nhận đủ điều kiện trồng tái canh, tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật trồng tái canh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành: không trồng xen cây lâu năm khác trong vườn cà phê tái canh và buộc các nông hộ phải thế chấp tài sản bảo đảm là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Trong khi đó, với mức vay tối đa là 150 triệu đồng/ha trồng tái canh và ghép là 80 triệu đồng/ha là quá thấp so với mức đầu tư thực tế.

Cần có giải pháp tháo gỡ

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khi trồng tái canh cà phê, các nông hộ, doanh nghiệp đều trồng xen các loại cây dài ngày như bơ, sầu riêng, hồ tiêu… để tạo thêm thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Chính những bất cập này đã khiến người trồng tái canh cà phê khó “với tay” được đến nguồn vốn vay.

Theo ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank Đắk Lắk thì nguồn vốn cho tái canh cà phê luôn được phía ngân hàng sẵn sàng khi người dân có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện. Mặt khác, để khơi thông nguồn vốn, phía ngân hàng đã tiến hành triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ để người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vay. Ngoài cho vay theo định mức chung với lãi suất thấp hơn so với thị trường từ 1,5-2%, ngân hàng còn có thể xem xét cho vay thêm nếu người dân có nhu cầu và phải đảm bảo được tài chính… “Vướng mắc của một bộ phận người dân trong khâu tiếp cận vốn là do họ chưa tuân thủ đúng quy định về quy trình, mục đích vay vốn. Cần xác định rõ ràng nguồn vốn là dành cho vay tái canh cà phê chứ không phải trồng tiêu!” – ông Lĩnh nói.

Rõ ràng, tái canh cây cà phê theo hướng sản xuất bền vững là mục tiêu của các nhà quản lý và cũng là mong muốn của nông dân. Tuy nhiên, việc làm thế nào để nông dân tiếp cận được với nguồn vốn tái canh dễ dàng hơn vẫn còn nhiều vấn đề mà ngành chức năng cần nhanh chóng tháo gỡ để nguồn vốn này không còn phải nằm dài chờ người vay.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.