Phòng, chống lũ lụt vùng hạ du: Vẫn là vấn đề thiếu kinh phí!
Phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đang là vấn đề cấp bách, bởi nó liên quan đến đời sống và tính mạng người dân. Tuy nhiên đến nay, việc xây dựng phương án phòng chống lũ lụt tại các công trình thủy lợi vẫn còn dở dang.
Vùng hạ du của hồ Krông Búk Hạ bị ngập lụt trong đợt mưa lớn hồi giữa tháng 5-2017. |
Theo sở NN-PTNT, tính đến tháng 7-2017, toàn tỉnh có 600 hồ thủy lợi, trong đó, 237 hồ lớn và vừa giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý. Trong số đó, có 7 công trình có tràn xả sâu buộc phải lập phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du, gồm: Ea Súp Thượng, Krông Búk Hạ, Ea Rớt, Ea Đrăng, Vụ Bổn, Buôn Yông, Ea Kao.
Đây là những hồ chứa lớn, cung cấp một lượng lớn nước tưới và nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng, tuy nhiên những công trình này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương cho vùng hạ du vào mùa mưa lũ. Bởi để bảo đảm an toàn, các hồ chứa đều phải tiến hành xả tràn mỗi khi có mưa lớn hay lũ về theo một quy trình đã được thiết lập trước đó. Điều này có thể làm cho mực nước hạ du công trình đột ngột dâng cao, trong tình huống vùng hạ du cũng đang có lũ lớn thì xảy ra ngập lụt, đe dọa đến tài sản, tính mạng, đời sống của dân cư trong vùng là điều khó tránh khỏi.
Theo Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, hầu hết vùng hạ du tập trung chủ yếu ở vùng trũng, hai bên suối đều được bà con canh tác, chính vì vậy khi xả lũ dù lưu lượng rất nhỏ cũng ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, muốn động viên bà con vùng hạ du không gieo cấy vào các vùng trũng để tránh thiệt hại khi công trình xả lũ cũng hết sức khó khăn, bởi lượng mưa lâu nay trên địa bàn tỉnh chưa đạt tần suất thiết kế, nên các công trình xả lũ rất ít. Do đó, việc ngập lụt vùng hạ du bình thường rất hiếm khi xảy ra nên người dân hầu như không quan tâm đến vấn đề này, vẫn cứ gieo cấy bình thường. Đến khi có mưa lớn, hồ buộc phải xả tràn (lượng xả lũ thường không cao) nhưng do cùng thời điểm nước sông suối cũng dâng lên khiến diện tích hoa màu bị ảnh hưởng nặng nề do ngập lụt.
Đơn cử như tình trạng ngập lụt khu vực hạ lưu công trình Krông Búk Hạ, theo quy trình vận hành, hồ có lưu lượng xả lũ theo thiết kế là 1.057 m3/s (tần suất 0,5%) nhưng khi có mưa, lượng mưa ngày khoảng 80 mm (điển hình là ngày 16-5-2017) và công trình xả lũ với lưu lượng từ 10-30m3/s thì một số vùng trũng phía hạ lưu công trình đã bị ngập lụt như địa phận thôn 10 xã Ea Kly (huyện Krông Pắc), do đó để thực hiện việc điều tiết hồ theo đúng quy trình cũng rất khó khăn.
Tràn xả lũ của hồ Krông Búk Hạ. |
Ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm này mới có 3/7 công trình đã lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du là hồ chứa Ea Rớt (huyện Ea Kar), Krông Búk Hạ (huyện Krông Pắc) do Bộ NN-PTNT đầu tư, riêng hồ Ea Đrăng (huyện Ea H’leo) do một dự án nghiên cứu khoa học xây dựng. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt phương án, công ty đã đi kiểm tra lại thực tế xem vùng nào xả lũ bình thường mà vẫn bị ngập lụt thì xây dựng các cột mốc; từ đó cảnh báo người dân chỉ gieo cấy phía trên cột mốc để nếu có xả lũ sẽ không ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng.
Để hạn chế tối đa thiệt hại của người dân khi xả lũ cũng như có sự cảnh báo kịp thời để người dân có thể chủ động phòng tránh, các công trình có tràn xả sâu cần phải được xây dựng phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du. Đây là cơ sở để công ty làm việc với chính quyền và người dân khi xả lũ nhằm dự báo vùng đó sẽ ngập lụt đến đâu để người dân yên tâm, không thắc mắc. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí khá lớn, hơn 1 tỷ đồng/công trình nên cần có sự hỗ trợ vốn ngân sách của Nhà nước.
Hiện nay, biến đổi khí hậu diễn ra khá phức tạp, thảm phủ thực vật thay đổi lớn, rừng đầu nguồn bị tàn phá ảnh hưởng lớn đến tập trung dòng chảy và khiến tình hình ngập lụt vùng hạ du trở nên nặng nề hơn mỗi khi có mưa lũ. Do đó, việc tính toán, kiểm tra lưu lượng xả lũ tại các hồ chứa để đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và vùng hạ du là hết sức cần thiết. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con không gieo cấy vùng lòng hồ và khu vực thường xuyên bị ngập lụt ở vùng hạ du để tránh thiệt hại khi hồ thực hiện việc tích nước và xả lũ.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc