Multimedia Đọc Báo in

Tăng thu nhập từ nuôi cá kèm dịch vụ hồ câu

10:48, 30/10/2017

Tận dụng, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở địa phương như diện tích mặt nước, nguồn thức ăn xanh…, ông Ngô Văn Ngọc (tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đã thực hiện mô hình nuôi cá nước ngọt gắn với dịch vụ hồ câu, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Năm 1994, ông Ngọc đầu tư nuôi các loại cá: trắm cỏ, chép, mè, thác lác, rô phi... trên diện tích mặt nước 2.000 m². 

Ông Ngô Văn Ngọc bên hồ nuôi cá.
Ông Ngô Văn Ngọc bên hồ nuôi cá.


Khởi nghiệp với kiến thức, kinh nghiệm không nhiều, ban đầu việc nuôi cá không đạt hiệu quả, cá bị dịch bệnh gây thiệt hại lớn nên vợ chồng ông Ngọc đã phải bươn chải làm thuê để có tiền bù đắp, trang trải cuộc sống và tiếp tục đầu tư đợt khác. Với kiến thức tích lũy được từ thực tế, qua các buổi tập huấn do Hội Nông dân tổ chức, cùng nguồn vốn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2013, ông mở rộng diện tích ao cá lên hơn 3.000 m², đồng thời xây dựng lại bờ kè, rắc vôi khử trùng, vệ sinh ao nuôi…

Ông Ngọc cho hay, so với chăn nuôi heo, gà thì nuôi cá ít gặp rủi ro hơn, chỉ cần cho ăn đúng cách và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đúng giờ nhất định, cá sẽ lớn nhanh, ít bị nhiễm bệnh. Phần lớn cá nuôi là cá trắm cỏ nên nguồn thức ăn xanh hằng ngày khá dồi dào, gồm các loại cỏ, lá chuối... phối trộn với cám gạo, cám bắp theo tỷ lệ nhất định. Sau khi cá ăn, ông vớt bỏ các cọng cỏ, cây, lá già còn lại để vệ sinh ao nuôi. Nhờ vậy, việc nuôi cá bắt đầu đem lại hiệu quả kinh tế, mỗi năm ông xuất 1 lứa cá, riêng năm 2016, ông thu được khoảng 8 tấn cá thịt. Tuy nhiên, do việc bán cá ra thị trường thông qua thương lái vẫn còn nhiều bấp bênh, dễ bị ép giá, để tăng giá trị sản phẩm, ông đã tìm cách bán cá trực tiếp tại hồ cho khách hàng, thông qua dịch vụ hồ câu. Đến đầu năm 2017, ông Ngọc quyết định vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 60 triệu đồng để tu bổ ao cá và tôn tạo cảnh quan, mở thêm dịch vụ hồ câu, bước đầu đã thu hút khách.

Từ khi mở thêm dịch vụ hồ câu ông Ngọc có một nguồn thu ổn định từ việc bán cá cho các khách hàng đến câu. Hiện ông tiếp tục đầu tư trồng rau sạch để tăng thêm thu nhập.

Diệu Hằng – Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.