Tổng kết 15 năm hoạt động Ngân hàng Chính sách xã hội (2002-2017)
11:00, 17/10/2017
Chiều 16-10, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm hoạt động NHCSXH (2002-2017). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh; Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Khút Niê; đại diện các sở, ngành, địa phương; lãnh đạo NHCSXH tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh chụp từ màn hình) |
NHCSXH được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4-10-2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Tính đến ngày 30-9-2017, tổng nguồn vốn của ngân hàng đạt 179.120 tỷ đồng, tăng 172.098 tỷ đồng so với khi thành lập (tăng hơn 25 lần). Trong đó, Ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ và vốn thực hiện các chương trình tín dụng 27.762 tỷ đồng (chiếm 15,6% tổng nguồn vốn); huy động vốn, vay Ngân hàng Nhà nước, nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng Nhà nước và phát hành trái phiếu Chính phủ 129.775 tỷ đồng (chiếm 72,5%); nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay 8.485 tỷ đồng (4,7%).
Từ 3 chương trình tín dụng cơ bản (chương trình hộ nghèo; học sinh sinh viên (HSSV); giải quyết việc làm), đến nay tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách (TDCS) và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác. Đến 30-9-2017, tổng dư nợ TDCS đạt 169.036 tỷ đồng (gấp hơn 24 lần so với năm 2002); tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2% với trên 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.
Trong 15 năm qua, vốn TDCS đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước, trong đó tập trung tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa... với hơn 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách (ĐTCS) được vay vốn, doanh số cho vay 433.245 tỷ đồng, doanh số thu nợ 272.336 tỷ đồng. Qua đó, giúp trên 4,5 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; hơn 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn... góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống còn 7%; giai đoạn 2005 – 2010 từ 22% xuống còn 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%...
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk |
Tại Đắk Lắk, sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt trên 3.976 tỷ đồng (tăng 38 lần so với năm 2002), trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương 3.809 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương 167 tỷ đồng. Hiện tại, chi nhánh có doanh số cho vay trên 9.209 tỷ đồng với 748.573 lượt khách hàng vay vốn; tổng dư nợ 3.860 tỷ đồng với 158.249 khách hàng dư nợ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của NHCSXH trong việc huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình TDCSXH, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo của cả nước. Sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội trong việc hỗ trợ vay vốn đã gây dựng ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu của các ĐTCS, hộ nghèo, góp phần giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi tại các địa phương. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường nguồn lực để thực hiện tốt TDCSXH, chú trọng hỗ trợ thanh niên, phụ nữ nông thôn khởi nghiệp…
Nhân dịp này, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho NHCSXH; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 9 cá nhân, trong đó có UBND tỉnh Đắk Lắk; các bộ, ngành Trung ương, NHCSXH tặng Bằng khen cho 2 tập thể, 16 cá nhân của tỉnh Đắk Lắk đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các chương trình TDCSXH.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc