Ứng dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi: Hiệu quả thấp do chưa thực hiện đồng bộ
Chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong cơ cấu nông nghiệp của Đắk Lắk và có tính quyết định đến sự bình ổn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi vẫn còn hạn chế khiến giá trị gia tăng của sản phẩm không tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh.
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Đắk Lắk hiện có trên 1,1 triệu con gia súc và gần 10 triệu con gia cầm. Tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi khá cao (nhất là giai đoạn 2005-2015 là 9,64%, cao gấp 1,8 lần so với tốc độ tăng trưởng ngành trồng trọt). Trong vòng 10 năm trở lại đây, Đắk Lắk được chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi từ các chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp ở các lĩnh vực: con giống, thức ăn, chăn nuôi an toàn dịch bệnh và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới được người dân chú trọng ở khâu con giống nhằm lai tạo cải thiện về thể hình, tầm vóc, khả năng sản xuất chuyên dụng cho từng mục đích cụ thể như thịt, trứng, sữa… Đơn cử như đàn bò, với chương trình cải tạo đàn bò từ năm 2007 đến nay, các địa phương đã xây dựng được đàn cái nền lai và đàn bò chuyên thịt chất lượng cao, tỷ lệ bò lai đạt 29,3%. Các dòng được đưa vào lai cải tạo đàn bò nội gồm Red Sindhi, Brahman, Sahiwal, trong đó Red Sindhi là phổ biến, các dòng còn lại chủ yếu để tạo con bò nuôi lấy thịt từ mẹ lai Sind.
Trại bò giống của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh. |
So với đàn bò thì tỷ lệ đàn heo lai đạt rất cao, trên 95%, chủ yếu là heo thịt, chiếm từ 85,9-88,4% tổng đàn heo. Heo nuôi thịt phần lớn là con lai 2-3 máu từ mẹ lai F1 hoặc F2 với đực thuần chủng thuộc các giống như Torshire đại bạch, Landrace, Duroc và giống Pietrane. Cùng với đàn heo thì các giống gia cầm nhập khẩu phát triển tương đối nhanh, chủ yếu là các giống chuyên thịt, trong đó gà chuyên thịt công nghiệp chiếm gần 40% tổng số gà thịt. Giống gà công nghiệp trên địa bàn rất đa dạng gồm: giống gà chuyên trứng Bown Nick, Isa Brown, Lohman Brown; giống gà thả vườn chủ yếu là Lương phượng, Tam hoàng, Kabir. So với các giống gà nội thì giống gà nhập khẩu cho năng suất, sản lượng cao hơn nên mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Có thể thấy, những tiến bộ về kỹ thuật giống được người dân áp dụng vào chăn nuôi rất tốt. Song điều đáng nói là các tiến bộ kỹ thuật đi kèm với khâu con giống như về chuồng trại, thức ăn là những kỹ thuật giữ vai trò quan trọng trong chăn nuôi thì không được người dân thực hiện triệt để và đúng quy trình; số hộ sử dụng kỹ thuật này còn thấp, nhất là vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, với chăn nuôi bò chuyên thịt, do quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, bò phải được nuôi nhốt và cho ăn tại chuồng bằng cỏ trồng cắt, do vậy số hộ nuôi bò chuyên thịt chưa nhiều, khả năng nhân rộng hạn chế, chủ yếu tập trung ở huyện Ea Kar.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra chất lượng heo đực giống ở huyện Ea Kar. |
Thực tế cho thấy, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm phần lớn, do đó việc người dân áp dụng tiến bộ khoa học đồng bộ là tương đối khó; nhiều hộ chăn nuôi chưa nhận thấy được tầm quan trọng của các tiến bộ kỹ thuật, vẫn còn giữ tập quán chăn nuôi theo kinh nghiệm và ít đầu tư. Mặt khác, do thiếu mô hình trình diễn nên người dân chưa hình dung được hiệu quả của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật khiến việc chuyển giao chưa thành công. Thêm vào đó, người dân thiếu nguồn lực đầu tư nên không thể nhân rộng được các mô hình trình diễn… Đây là những cản trở rất lớn để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi.
Để hóa giải những khó khăn trên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương phải từng bước tổ chức lại chăn nuôi theo hướng liên kết, quản lý theo chuỗi kép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác cải tạo giống cùng với các kỹ thuật đi kèm như phát triển trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn xanh và áp dụng kỹ thuật chế biến để tăng hiệu quả sử dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp; sử dụng các nguyên liệu sẵn có tự phối trộn làm thức ăn thay thế thức ăn công nghiệp để giảm giá thành sản xuất. Cùng với đó, phát triển chăn nuôi gắn liền với xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, xử lý tốt vấn đề ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, để các giải pháp trên được thực hiện hiệu quả thì các chính sách về phát triển chăn nuôi, nhất là về nguồn vốn cần phải được các ngành, các cấp quan tâm hơn nữa để hỗ trợ người chăn nuôi, đặc biệt là trong thời điểm giá đầu ra sản phẩm bấp bênh như hiện nay.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc