Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn lâu dài: Đến bao giờ?
Với mục đích phát triển nông nghiệp bền vững, đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng, những năm qua, các cấp, ngành đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) theo chuỗi, nhưng phần lớn trong đó chỉ hoạt động được thời gian ngắn, sau đó cầm chừng, đứt đoạn.
Vòng luẩn quẩn
Năm 2010, khi Luật an toàn thực phẩm được ban hành, Bộ NN-PTNT bắt đầu triển khai xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên cả nước. Năm 2013, mô hình này bắt đầu được triển khai thí điểm tại Đắk Lắk cho các đơn vị như HTX nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh (huyện Cư M’gar), HTX sản xuất rau an toàn Thuận An, HTX nông nghiệp Thuận Hòa (TP. Buôn Ma Thuột), Công ty Cổ phần thực phẩm Núi Xanh… Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn thực hiện mô hình điểm thì việc sản xuất, tiêu thụ đứt đoạn do kênh tiêu thụ kém. Các sản phẩm rau VietGAP được sản xuất với chi phí cao nhưng chỉ bán được số lượng nhỏ tại các siêu thị, còn đa số người sản xuất phải mang ra chợ bán với giá rau sản xuất theo cách làm truyền thống khiến nông dân không còn mặn mà. Hiện tại, các HTX này hiện đang hoạt động cầm chừng, giảm sản lượng chứng nhận VietGAP.
Trang trại heo đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn. |
Hội nghị kết nối thương mại mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức vào giữa tháng 9 vừa qua đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiêu thụ và nhà sản xuất thực phẩm an toàn kết nối, tìm cơ hội hợp tác, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc thảo luận, ghi nhớ giữa các bên. Bởi, các đơn vị tiên phong đi đầu trong lĩnh vực này mới chỉ sản xuất nông sản theo mùa với số lượng hạn chế, chính điều này khiến cho việc sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP gặp khó khăn hơn. Chưa kể, việc tìm nguồn cung ứng các loại thịt gia súc, gia cầm sạch cho các cửa hàng, siêu thị ngay tại địa bàn Đắk Lắk cũng không đơn giản. Đơn cử như Công ty Cổ phần siêu thị Vinmart chi nhánh Đắk Lắk, hiện đơn vị vẫn chưa tìm được địa điểm cung cấp thịt bò, thịt gà được sản xuất tại Đắk Lắk bảo đảm các yêu cầu đưa ra nên toàn bộ thực phẩm này vẫn phải nhập từ TP. Hồ Chí Minh về. Còn các sản phẩm rau an toàn nhập từ HTX nông nghiệp Thuận Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) cơ bản đáp ứng các yêu cầu về chất lượng nhưng số lượng lại hạn chế và chủ yếu chỉ có các sản phẩm theo mùa. Tương tự, đại diện siêu thị Thành Phát, TP. Buôn Ma Thuột cũng cho biết, bình quân mỗi ngày, đơn vị tiêu thụ hết 1 tấn rau các loại nhưng nhiều hôm các cơ sở sản xuất không cung ứng đủ hàng buộc đơn vị phải nhập rau từ các nguồn khác về sơ chế, xử lý lại sao cho bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) mới đóng gói bán cho người tiêu dùng(!).
Sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ kém khiến các HTX chỉ sản xuất cầm chừng với số lượng hạn chế, còn các khách hàng lớn lại không tìm đủ nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường, phải nhập từ tỉnh khác đang là vòng luẩn quẩn của mô hình chuỗi thực phẩm VietGAP hiện nay.
Triển vọng từ mô hình mới
Quý II năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho Công ty TNHH H.T FARM (tại buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) trên diện tích 5 ha gồm 4,98 ha đất sản xuất, 0,02 ha sơ chế. Sản phẩm chủ yếu là rau ăn lá, củ, quả, rau gia vị. Để xây dựng mô hình thành công, Chi cục đã tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng trang trại nằm cách xa các nguồn ô nhiễm, phù hợp với quy hoạch; các chỉ tiêu vi sinh và kim loại nặng trong mẫu xét nghiệm đất, nước đều nằm trong điều kiện cho phép. Đồng thời, Chi cục cũng tổ chức và cấp giấy chứng nhận tham gia lớp tập huấn quy trình VietGAP đối với rau quả tươi và kỹ thuật kiểm tra nội bộ sản phẩm cho 7 nhân viên của công ty HT. FARM, giúp đơn vị này có nguồn nhân lực chất lượng phục vụ sản xuất. Đến nay, đơn vị đã cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn rau cải, khổ qua, cà rốt, dưa leo, cà tím… đạt tiêu chuẩn VietGAP cho hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Người tiêu dùng tìm hiểu về sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH H.T FARM. |
Bà Hồ Thị Cẩm Lai, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng TP. Buôn Ma Thuột cho hay, đây là mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thứ 3 được xây dựng và phát triển trên địa bàn thành phố từ trước đến nay. Với mô hình này, chủ doanh nghiệp đã tạo được uy tín và sự chú ý đối với người tiêu dùng bằng các sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ (sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, dược liệu phòng trừ sâu, bệnh) bảo đảm VSATTP.
Sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi là giải pháp chính yếu trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn hiện nay. Để người dân nhận diện và tiếp cận với thực phẩm an toàn, UBND tỉnh vừa có Quyết định số 2662/QĐ-UBND ngày 26-9-2017 về việc ban hành kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025, với tổng kinh phí 15 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ quốc tế (nếu có) 2 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước 5 tỷ, vốn của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp 8 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2017-2020 sẽ có 10-15 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn được xây dựng tập trung vào nhóm rau, củ, quả, thịt, thủy sản nuôi… tại huyện Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột. Với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước, các cơ sở sẽ có thêm động lực mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn ngày càng cao của người tiêu dùng.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc