Multimedia Đọc Báo in

Đổi thay ở Phú Xuân

07:32, 17/11/2017

Cách đây 40 năm, mảnh đất Phú Xuân là một cánh rừng thuộc phía Đông huyện Krông Búk (nay là thị xã Buôn Hồ), cắt ngang qua cánh rừng là dòng sông Krông Năng hoang dã. Ngày nay Phú Xuân đã có nhiều đổi thay, những căn nhà cao tầng mọc lên san sát, trường học, trạm y tế... được xây dựng khang trang, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Trụ sở làm việc của xã Phú Xuân ngày nay.  Ảnh: Đ. Minh
Trụ sở làm việc của xã Phú Xuân ngày nay. Ảnh: Đ. Minh

Ngồi trong trụ sở khối đoàn thể xã, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Xuân chậm rãi kể về những ngày đầu hình thành nên vùng đất này. Khoảng giữa tháng 4-1977, ông Dũng là một trong những thành viên thuộc đoàn thanh niên xung phong và lao động chính từ thành phố Huế lên đường đi khai phá và xây dựng vùng kinh tế mới Buôn Hồ. Với trên 10 nghìn dân của 11 phường và 6 xã vùng ven TP. Huế đến lập nghiệp tại vùng đất mới, ông Dũng lúc ấy đang ở cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu", nhưng cũng không khỏi "rùng mình" khi hồi tưởng lại những khó khăn ban đầu.

Ông kể, cuộc sống của hầu hết người dân thuở ấy còn rất tạm bợ, tất cả đều tá túc trong những căn nhà tranh, tre, nứa lá. Bà con phải phát dọn cây rừng để mở đường đi lại giữa các khu dân cư, đặc biệt là vào mùa mưa, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn… Những vụ mùa thu hoạch đầu tiên mang lại hiệu quả không cao, cộng thêm bệnh tật, chủ yếu là sốt rét, đói kém diễn ra liên tiếp, lực lượng Fulrô đe dọa, quấy phá làm nhân dân không yên tâm ổn định cuộc sống. Đó là những ngày tháng đầy nghiệt ngã và thách thức cho toàn thể cán bộ, nhân dân vùng kinh tế mới Phú Xuân. Từ năm 1983, Phú Xuân đón nhận thêm nhân dân từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, và đồng bào dân tộc thiểu số một số tỉnh phía Bắc chuyển đến lập nghiệp. Cộng đồng dân cư mới của Phú Xuân với nhiều tỉnh, thành trên cả nước hội tụ về đây và chỉ trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng hòa nhập kết nối, chia sẻ ngọt bùi, đoàn kết một lòng, không phân biệt lương giáo, bắc nam, đối xử như anh em một nhà, đó là hành trang quí báu nhất tạo nên Phú Xuân  no ấm như ngày hôm nay.

Xã Phú Xuân chính thức được thành lập theo Quyết định số 02/HĐBT, ngày 20-11-1978 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Toàn xã có 32 thôn; diện tích tự nhiên 4.512 ha, 4.964 hộ, 17.716 khẩu, với 16 dân tộc anh em cùng sinh sống. 

Bí thư Đảng ủy xã Văn Khả Hùng cho biết, từ năm 1986 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã luôn ổn định, với nhịp độ năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, giai đoạn 2010-2015, giá trị sản xuất hằng năm tăng trưởng 7-8%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp - thương mại và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, hiện ở mức 60%; thương mại - dịch vụ 22%; tiểu thủ công nghiệp –  xây dựng 18%; giá trị sản xuất bình quân đầu người đến cuối năm 2016 là 42 triệu đồng/người/năm.

Cây cầu mới xây thay thế cầu treo cũ nối các xã Phú Xuân – Ea Dah – Tam Giang.
Cây cầu mới xây thay thế cầu treo cũ nối các xã Phú Xuân – Ea Dah – Tam Giang.

Là một xã sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, Đảng bộ xã Phú Xuân đã tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện các mô hình phát triển kinh tế; vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp bằng hình thức trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao và tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo tập trung và quyết liệt của Đảng bộ xã, đến năm 2016, Phú Xuân đạt 17/19 tiêu chí.

Có thể nói, những năm đầu trên vùng kinh tế mới Đắk Lắk, Đảng bộ và nhân dân xã Phú Xuân đã phải trải qua  một thời kỳ nhiều khó khăn thách thức để có thành quả như ngày hôm nay. Quá khứ đó là niềm tự hào, là truyền thống tốt đẹp được nhân dân các dân tộc xã Phú Xuân xem là  động lực quan trọng trong quá trình phát triển đi lên của xã nhà.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.