Multimedia Đọc Báo in

Ngành nuôi ong trước những thách thức mới

13:29, 01/11/2017

Từ nghề nuôi ong nhỏ lẻ, Việt Nam đã và đang được các quốc gia trên thế giới biết đến với sản lượng mật ong nằm trong top 10 của thế giới và thứ 2 châu Á. Tuy nhiên, hiện nay ngành nuôi ong lại đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu và biến động thị trường.

Nhiều thách thức

Sản phẩm mật ong hiện nay của Việt Nam chủ yếu dùng để xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) chiếm khoảng 80% tổng sản lượng mật ong xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hiện nay lại gặp nhiều khó khăn do vướng rào cản về chất lượng, đặc biệt là vấn đề tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… 

Các hộ nuôi ong chia sẻ kinh nghiệm xếp thùng ong lên xe tải khi vận chuyển đi xa.
Các hộ nuôi ong chia sẻ kinh nghiệm xếp thùng ong lên xe tải khi vận chuyển đi xa.

Từ tháng 6-2017, Đạo luật “Hiện đại hóa an toàn thực phẩm” của Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, tất cả các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Mỹ ngoài chịu sự giám sát, lấy mẫu như trước thì các doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký mã số kinh doanh mới, nhà cung ứng phải lựa chọn nhà đại diện nhập khẩu tại Mỹ. Nhà nhập khẩu có nhiệm vụ tiến hành rà soát thường xuyên tình trạng tuân thủ của nhà cung ứng trước khi nhập khẩu thông qua các công cụ chế tài như Thư cảnh báo khi một chuyến hàng vi phạm…

Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thì tình trạng mật ong kém chất lượng là do người nuôi ong chạy theo số lượng khiến chất lượng mật bị giảm sút. Bên cạnh đó, tình trạng nhập khẩu mật ong kém chất lượng trái phép từ các nước lân cận sau đó trà trộn vào mật ong nội khiến thị trường mật ong bị nhiễu loạn, việc giám sát chất lượng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, xu hướng của người tiêu dùng thế giới đang thay đổi theo chiều hướng chuộng mật trong, có màu sáng hơn mật sẫm màu.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hiện nay trên thị trường có hai loại mật ong gồm mật hoa (ong hút mật từ cà phê, nhãn, vải thiều…) và mật lá (ong hút mật từ nhựa lá cao su, keo tai tượng, đay…). Các loại mật từ nhựa lá cây thường tối màu và mật thay đổi (màu tối dần) theo thời gian khiến việc xuất bán khó khăn hơn.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm nay mưa nhiều hơn, ong hút mật kém, sản lượng mật giảm mạnh. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ khó khăn hơn do người tiêu dùng quốc tế thay đổi thị hiếu khiến giá mật đen (mật khai thác từ nhựa lá non) giảm mạnh, từ 37.000-38.000 đồng/kg xuống còn trên dưới 16.000 đồng/kg. Do đó, thay vì bán cho các cửa hàng, đại lý, nhiều hộ nuôi ong để mật lại làm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn ong mùa mưa, giúp đàn ong có sức khỏe tốt, nâng cao khả năng phòng chống dịch bệnh.

Nông dân trong tình tham quan mô hình nuôi ong tại một trang trại ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột.
Nông dân trong tình tham quan mô hình nuôi ong tại một trang trại ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột.

Sản xuất sạch theo chuỗi

Từ thực tế nghề nuôi ong cho thấy, việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm khai thác từ ong có những đặc thù riêng so với các sản phẩm nông nghiệp khác bởi thức ăn của ong chủ yếu từ cây có nguồn mật bao gồm cây trồng và cây hoang dại ngoài tự nhiên. Mặt khác, ong mật là côn trùng thiên địch bởi quá trình hút mật, đàn ong vô tình thụ phấn cho cây trồng, do đó việc lồng ghép kết hợp giữa nuôi ong và sản xuất nông nghiệp không chỉ gia tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ đa dạng sinh thái môi trường; và sản phẩm mật ong phụ thuộc vào quy trình canh tác của ngành nông nghiệp.

Vào thời kỳ ngoài tự nhiên thiếu thức ăn hoặc trời mưa, ong không thể đi kiếm thức ăn thì người nuôi phải cung cấp thức ăn cho đàn ong bằng lượng mật dự trữ, đường mía, phấn hoa hoặc thức ăn thay thế phấn hoa. Do đó, trong quá trình chế biến, nếu thức ăn thay thế không kiểm soát được các chất cấm trong chăn nuôi, chất gây ô nhiễm, các mầm bệnh thì dịch bệnh sẽ bùng phát lây lan cả đàn hoặc để lại tồn dư hóa chất trong các sản phẩm từ ong.

Cán bộ Khuyến nông tỉnh kiểm tra đàn ong Ý tại một hộ dân ở TP. Buôn Ma Thuột được hỗ trợ .
Cán bộ Khuyến nông tỉnh kiểm tra đàn ong Ý tại một hộ dân ở TP. Buôn Ma Thuột được hỗ trợ.

 

Vấn đề sâu xa hơn, để có sản phẩm mật ong sạch,  cần phải xây dựng được nền nông nghiệp sạch.

Tiến sĩ Trần Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, để phát triển đàn ong trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xu thế mới của người tiêu dùng đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn theo chuỗi khi đó mật ong mới sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngành nông nghiệp trên thế giới đang đẩy mạnh việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practices) vào sản xuất với những quy trình cho toàn cầu như GlobalGAP, từng khu vực như Asean-GAP, UK-GAP, Guide-GAP hay từng quốc gia riêng biệt như JGAP (của Nhật Bản), NZGAP (New Zeland), ChinaGAP (Trung Quốc), VietGAP (Việt Nam)…

Thực hiện Dự án Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 200 đàn ong Ý giống Apis mellifera Ligustica Spinola cho 10 hộ dân ở TP. Buôn Ma Thuột. Thông qua mô hình, dự án hướng nông dân thực hành nuôi ong an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm hướng đến sản phẩm mật ong, phấn hoa chất lượng cao (không tồn dư kháng sinh), đạt chuẩn xuất khẩu.

Thanh Hường

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.